Việt Nam là hình mẫu trên thế giới về phát huy giá trị Công ước Di sản Thế giới

Ngày 06/9/2022, với chủ đề “Di sản thế giới vì Tự cường và Phát triển bền vững”, Lễ Kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức, đã diễn ra long trọng tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Bái Đính (tỉnh Ninh Bình). Đồng thời, đây cũng là buổi lễ kép, kỷ niệm 35 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước (ngày 19/10/1987).

Tham dự buổi Lễ có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các địa phương có di sản, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các Ban Quản lý di sản thế giới tại Việt Nam; Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế, các cơ quan thông tấn báo chí tại Việt Nam và hàng nghìn người dân đại diện cộng đồng là chủ thể di sản. Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền tham dự chương trình.

Phát biểu khai mạc buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, từ khi tham gia Công nước đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Trải qua 35 năm tham gia, thực hiện Công ước 1972, công tác xây dựng và thực thi các kế hoạch quản lý, quy hoạch và đầu tư, hỗ trợ kinh phí tại các Di sản Thế giới ở Việt Nam luôn được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương của Việt Nam quan tâm. Các cơ sở pháp lý, chủ trương, chính sách đối với các di sản thế giới luôn được chú trọng bổ sung, hoàn thiện, đặc biệt là Luật Di sản văn hóa, Nghị định 109/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã được xây dựng theo hướng tiệm cận với tinh thần của Công ước 1972, Hướng dẫn thực hiện Công ước và mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp quốc.

Trong khuôn khổ cơ chế UNESCO nói chung và Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới nói riêng, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, uy tín, luôn hoàn thành tốt, chất lượng các nghĩa vụ thành viên, được cộng đồng quốc tế công nhận, đánh giá cao. Việt Nam đã 5 lần đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO và trong giai đoạn 2013-2017, Việt Nam được tín nhiệm, bầu là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới, cơ quan gồm 21 quốc gia đại diện các nước thành viên Công ước UNESCO 1972 thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trên phạm vi toàn cầu.

Vui mừng được đến Việt Nam tham dự Lễ Kỷ niệm tại Ninh Bình, bà Audrey Azoulay-Tổng Giám đốc UNESCO đánh giá cao Việt Nam, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã quan tâm thúc đẩy, phát huy giá trị Công ước Di sản Thế giới nói chung và công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản thế giới tại Việt Nam nói riêng trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, các sự kiện tôn vinh di sản thế giới đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm tham dự; gần đây nhất Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Lễ trao Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái tại Việt Nam” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tổ chức tại Tuyên Quang ngày 03/9/2022.

Tổng Giám đốc Audrey Azoulay khẳng định Việt Nam là hình mẫu trên thế giới về kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn tôn trọng, cam kết mạnh mẽ, thực hiện rất nhiều nỗ lực để đảm bảo không hi sinh việc bảo vệ di sản cho phát triển. UNESCO đã chọn Khu Di sản Tràng An cùng cùng với 03 di sản khác trên thế giới để thí điểm một dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, đặc biệt là cho phụ nữ; kiến nghị nhân rộng mô hình tại Việt Nam để áp dụng tại tất cả các Khu Di sản thế giới trên toàn cầu.

Đây cũng chính là thông điệp mà UNESCO sẽ chuyển tải vào cuối tháng 9/2022 tại Hội nghị Toàn cầu về Chính sách văn hóa Mondiacult năm 2022 do UNESCO và Mexico tổ chức, với sự tham dự của 140 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.

Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và đại diện cộng đồng tại khu Di sản Tràng An đã chia sẻ, nhấn mạnh tác động sâu rộng, nhiều mặt của hợp tác Việt Nam-UNESCO trên các lĩnh vực khác của đời sống xã hội trên phạm vi quốc gia, địa phương và trực tiếp đến cộng đồng, người dân sinh sống tại các khu di sản.

Ngày 16/11/1972, tại kỳ họp lần thứ 17 diễn ra ở Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đến nay, đã có 194 quốc gia phê chuẩn và trở thành thành viên của Công ước này.

Trịnh Quốc Anh


share on facebook

Cục Hợp tác quốc tế

Cơ quan của bộ văn hóa thể thao và du lịch

Bản quyền Website thuộc Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch)
Chịu trách nhiệm: Bà Nguyễn Phương Hoà  – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế

Địa chỉ: 51 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024-39434217    Fax: 024-39437101

Ghi rõ nguồn Website http://icd.gov.vn khi phát hành lại từ trang web này

Bếp Hoàng Cương địa điểm đáng tin cậy nhất để mua các dòng bếp từ nhập khẩu, máy hút mùi, máy lọc nước, lò nướng với giá tốt nhất tại https://bephoangcuong.vn đến với bếp Hoàng Cương bạn sẽ được đảm bảo về chất lượng cũng như giá cả