Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh

Vào hồi 16h15 ngày 29/11/2022 (giờ địa phương), tại Kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, tổ chức tại thủ đô Rabat, Ma rốc, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm có bề dày hàng trăm năm lịch sử, với những kỹ thuật đặc trưng riêng có, trong đó tiêu biểu là việc không dùng bàn xoay trong quá trình chế tác. Các khâu sản xuất gốm hoàn toàn được làm thủ công với những nguyên vật liệu từ thiên nhiên và sử dụng củi để nung gốm. Sản phẩm gốm không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình và trong văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm, với các dòng sản phẩm với mẫu mã đa dạng, vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tín ngưỡng, tôn giáo vừa thể hiện sự sáng tạo mang tính đại điện, bản sắc văn hóa của cộng đồng người Chăm như: thạp đựng nước, khoang đựng gạo, bình phong thủy, phù điêu, đèn trang trí, tượng thần Apsara, tượng thần Siva…

Theo Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử đáp ứng những tiêu chí sau để đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp:

U.1: Yếu tố liên quan đến nghề thủ công truyền thống chuẩn bị và làm các sản phẩm gốm Chăm bằng tay và sử dụng các công cụ đơn giản. Người thực hành di sản chủ yếu là phụ nữ người Chăm. Kiến thức và kỹ năng của di sản được trao truyền trong gia đình, dòng họ và cộng đồng. Việc truyền tải được thực hiện thông qua kể chuyện và thực hành hàng ngày. Yếu tố liên quan đến sự trao đổi, tương tác giữa những người thực hành trong lao động, hoạt động xã hội và nâng cao vai trò của phụ nữ Chăm trong xã hội hiện đại. Yếu tố này gắn liền với nghệ thuật diễn xướng dân gian, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, trong đó có các nghi lễ liên quan đến ông tổ nghề gốm Chăm, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Chăm ở Đông Nam Á.

U.2: Hiện nay số lượng nghệ nhân, người thực hành và người học nghề ở các làng gốm còn ít. Bất chấp nhiều nỗ lực bảo vệ, sức sống của di sản vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nhiều tác động khác nhau. Những tác động này bao gồm quá trình đô thị hóa, đã ảnh hưởng đến không gian của các làng thủ công truyền thống và ảnh hưởng đến sự sẵn có của nguyên liệu, chi phí nguyên liệu cao, tuổi cao của các nghệ nhân lành nghề, thế hệ trẻ ngại học nghề, thiếu đa dạng hóa sản phẩm và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

U.3: Quốc gia thành viên có kế hoạch chi tiết bảo tồn di sản sẽ được thực hiện trong bốn năm (2023–2026), với các mục tiêu của mỗi năm, các hoạt động cụ thể và kết quả dự kiến, bao gồm đào tạo, tư liệu hóa, giải quyết các vấn đề liên quan đến nguyên liệu thô và tạo sinh kế bền vững cho những người hành nghề. 

U.4: Cộng đồng, các nhóm và cá nhân có liên quan đã tham gia vào quá trình đề cử bằng cách cung cấp thông tin và đóng góp vào quá trình kiểm kê. Nhiều thành viên trong cộng đồng đã tham gia quay phim và chụp ảnh quá trình làm gốm và thờ cúng tổ nghề. Hơn nữa, 354 nghệ nhân đã đồng ý trước và tự nguyện về việc đề cử di sản này vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. 

U.5: Di sản được đưa vào Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Báo cáo kiểm kê quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể. Việc kiểm kê được duy trì bởi các cơ quan và tổ chức ở cấp quốc gia, tỉnh và thành phố. Việc kiểm kê di sản có sự tham gia của các cộng đồng ở làng Bàu Trúc và Bình Đức, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận và với Trung tâm Nghiên cứu và Trưng bày Văn hóa Chăm ( tỉnh Ninh Thuận) trong các đợt khảo sát, kiểm kê, quay phim, chụp ảnh. Kiểm kê được cập nhật hàng năm trước ngày 31 tháng 10.

Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp thể hiện sự quan tâm của UNESCO, cộng đồng quốc tế đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa tại Việt Nam, khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Trịnh Quốc Anh


share on facebook

Cục Hợp tác quốc tế

Cơ quan của bộ văn hóa thể thao và du lịch

Bản quyền Website thuộc Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch)
Chịu trách nhiệm: Bà Nguyễn Phương Hoà  – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế

Địa chỉ: 51 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024-39434217    Fax: 024-39437101

Ghi rõ nguồn Website http://icd.gov.vn khi phát hành lại từ trang web này

Bếp Hoàng Cương địa điểm đáng tin cậy nhất để mua các dòng bếp từ nhập khẩu, máy hút mùi, máy lọc nước, lò nướng với giá tốt nhất tại https://bephoangcuong.vn đến với bếp Hoàng Cương bạn sẽ được đảm bảo về chất lượng cũng như giá cả