Việt Nam trúng cử Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa

Từ ngày 7-10/2/2023, kỳ họp lần thứ 16 Uỷ ban liên Chính phủ (UBLCP) Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hoá đã diễn ra tại trụ sở UNESCO. Đây là kỳ họp trực tiếp đầu tiên sau 2 năm liên tiếp phải tổ chức theo hình thức trực tuyến vì dịch bệnh Covid-19.

Với vai trò thành viên UBLCP của Công ước nhiệm kỳ 2021 – 2025, đoàn Việt Nam do Bà Lê Thị Hồng Vân, Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn thường trực Việt Nam tại UNESCO làm Trưởng đoàn cùng đại diện của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) và Ban thư ký Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã tham dự Kỳ họp.

Tại Phiên khai mạc Kỳ họp, các đại biểu tham dự đã dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân của thảm hoạ động đất tang thương tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Phát biểu khai mạc, ông Ernesto Ottone, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Văn hoá cho biết, Kỳ họp lần thứ 16 vào đúng vào thời điểm quan trọng đối với UNESCO và ngành văn hoá toàn cầu. Hội nghị toàn cầu về Chính sách văn hoá và Phát triền bền vững – MONDIACULT 2022 tại Mexico (tháng 10/2022) đã đưa ra Tuyên bố chung trong đó công nhận văn hoá là một loại hàng hoá công mang tính toàn cầu, đồng thời kêu gọi đưa văn hoá trở thành một mục tiêu độc lập tại Chương trình nghị sự toàn cầu 2030, đẩy mạnh việc thực thi Công ước 2005 và Khuyến nghị 1980 về vị thế của nghệ sỹ. Theo ông Ernesto Ottone, văn hoá đang trở thành một lĩnh vực hứng chịu nhiều thương tổn và khó khăn đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, tốc độ số hoá ngày càng nhanh không chỉ đem lại cơ hội mà còn dẫn tới nhiều nguy cơ cho văn hoá và sáng tạo như tình trạng thiếu cân bằng toàn cầu trong dòng chuyển dịch của hàng hoá và dịch vụ văn hoá, sự thiếu đa dạng về biểu đạt văn hoá trên môi trường Internet… - là những vấn đề để các quốc gia thảo luận tại Kỳ họp lần này. 

Tại Kỳ họp, Ban Thư ký Công ước đã nêu rõ những ưu tiên chính trong công tác triển khai Công ước năm 2022, bao gồm: hỗ trợ thực thi Công ước và thực thi các quyết định đã ban hành của Uỷ ban; giám sát việc thực hiện Công ước trên toàn cầu thông qua các công cụ quản lý và chia sẻ tri thức; triển khai các chương trình hợp tác và hỗ trợ quốc tế; và nâng cao nhận thức của các bên liên quan thông qua truyền thông và các sáng kiến hỗ trợ. Bên cạnh việc chào đón Pakistan -  thành viên thứ 152 phê chuẩn Công ước, một số thành tựu nổi bật của Ban thư kí trong năm qua bao gồm tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, chia sẻ nội dung của Báo cáo toàn cầu, tổ chức tham vấn toàn cầu về triển khai Khuyến nghị 1980 về vị thế của Nghệ sĩ, triển khai các sáng kiến hợp tác quốc tế nhằm gia tăng sự biểu đạt đa dạng văn hoá trong môi trường số, cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới trong các ngành công nghiệp văn hoá sáng tạo... Cũng trong năm vừa qua, Quỹ Quốc tế vì đa dạng văn hoá (IFCD) đã thực hiện giám sát 29 dự án do Quỹ tài trợ và nhận được tổng số tiền đóng góp tự nguyện là 1.115.925 USD. 

Đại diện cho đoàn Việt Nam phát biểu tại Kỳ họp, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân khẳng định, là một thành viên UBLCP của Công ước nhiệm kỳ 2021 – 2025, Việt Nam nhận rõ tầm quan trọng của văn hoá, sáng tạo trong phát triển bền vững, đồng thời cam kết với việc thực thi Công ước và các sáng kiến liên quan ở các cấp độ từ địa phương tới Trung ương. Tại Hội nghị toàn cầu UNESCO về Chính sách văn hóa và Phát triển bền vững – MONDIACULT 2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu tại phiên thảo luận “Văn hóa vì sự phát triển bền vững”, thể hiện sự quan tâm sâu sát của Chính phủ Việt Nam đối với việc xây dựng chính sách văn hóa gắn với phát triển bền vững.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực phối hợp với UNESCO thực hiện dự án thí điểm của UNESCO về xây dựng chỉ số văn hóa cấp địa phương tại thành phố Huế, từ đó lên kế hoạch xây dựng bộ chỉ số văn hóa quốc gia của Việt Nam để đưa vào hệ thống thống kê quốc gia, làm cơ sở cho việc thực thi và đề xuất các chính sách/biện pháp phát triển ngành văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng. 

Bên cạnh đó, triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong đó đặt ra mục tiêu phấn đấu giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP toàn quốc, tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm, có từ 01 đến 03 thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO, Việt Nam hiện đang xây dựng Mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO.

Liên quan đến Khuyến nghị 1980 về vị thế của nghệ sĩ, Việt Nam đã hoàn thành đúng hạn Khảo sát toàn cầu về tình trạng thực hiện Khuyến nghị và nộp lên UNESCO. Đoàn Việt Nam đề xuất Ban thư kí cân nhắc về tầm quan trọng của Khuyến nghị 1980 và đưa việc thực hiện khảo sát về Khuyến nghị 1980 theo định kì như một phần trong Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước của các quốc gia thành viên. 

Cũng tại Kỳ họp lần này, các đại biểu tham dự đã thảo luận và cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng của Công ước 2005 nói riêng và văn hoá sáng tạo nói chung như thay đổi thời hạn nộp Báo cáo Quốc gia định kì, các biện pháp gia tăng và đa dạng hoá nguồn tài chính cho IFCD, thông qua các dự án nhận được tài trợ của IFCD, tăng cường sự đóng góp của các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ, các tổ chức xã hội nghề nghiệp vào việc triển khai các sáng kiến, chương trình của Công ước.

Đặc biệt, tại Kỳ họp lần thứ 16, Việt Nam đã được tín nhiệm đại diện cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban. Điều này tiếp tục thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, cho thấy sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của ta tại các thể chế đa phương toàn cầu, ghi nhận đóng góp tích cực của ta trong UNESCO cũng như trong nỗ lực thúc đẩy vai trò của văn hóa, sáng tạo cho sự phát triển bền vững, bao trùm và tự cường.

Với tư cách Phó Chủ tịch Ủy ban, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước 2005, đồng thời cũng tranh thủ tri thức, kinh nghiệm và các nguồn lực bên ngoài cho phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa, sáng tạo, hỗ trợ phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Ta cũng có nhiều cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới – một Việt Nam phát triển năng động, hội nhập sâu rộng, đổi mới sáng tạo, song cũng đậm đà bản sắc.

Phương Đỗ


share on facebook

Cục Hợp tác quốc tế

Cơ quan của bộ văn hóa thể thao và du lịch

Bản quyền Website thuộc Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch)
Chịu trách nhiệm: Bà Nguyễn Phương Hoà  – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế

Địa chỉ: 51 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024-39434217    Fax: 024-39437101

Ghi rõ nguồn Website http://icd.gov.vn khi phát hành lại từ trang web này

Bếp Hoàng Cương địa điểm đáng tin cậy nhất để mua các dòng bếp từ nhập khẩu, máy hút mùi, máy lọc nước, lò nướng với giá tốt nhất tại https://bephoangcuong.vn đến với bếp Hoàng Cương bạn sẽ được đảm bảo về chất lượng cũng như giá cả