Ngày 14/5/2024, tại Trụ sở Tòa nhà Liên hợp quốc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương và Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Baker đã đồng chủ trì Hội thảo tham vấn về Triển vọng Việt Nam gia nhập Công ước UNESCO 2001 về Bảo vệ di sản văn hóa dưới nước. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, các đơn vị, tổ chức chuyên môn trong lĩnh vực di sản văn hóa và khảo cổ học, các địa phương nơi có các hoạt động khai thác, bảo tồn di sản văn hóa dưới nước, Ban Thư ký Công ước 2001, các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh Hội thảo tham vấn về Triển vọng gia nhập Công ước UNESCO 2001 là hành động thiết thực để cụ thể hóa nội dung hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu hướng đến một không gian khoa học để các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận về vai trò của di sản văn hóa dưới nước và lộ trình để Việt Nam gia nhập Công ước UNESCO 2001.
Với vai trò là Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Jonathan Baker cho biết trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ được quốc tế công nhận trong việc bảo tồn di sản văn hóa, thể hiện một hình ảnh đa chiều về sự phát triển toàn diện và bền vững trên tất cả các mặt của phát triển. Công ước bảo vệ di sản văn hóa dưới nước năm 2001 tập trung vào phần thường bị bỏ qua của di sản văn hóa thế giới đó là các địa điểm dưới nước và di tích có ý nghĩa lịch sử đối với nhân loại. Công ước này cho phép các quốc gia thúc đẩy các phương thức khảo cổ dưới nước bền vững và có trách nhiệm, gắn di sản không thể thay thế này vào cơ chế của văn hóa để phát triển. Ông Jonathan Baker nhận định Hội thảo tham vấn tạo cơ hội cho Việt Nam tiến xa hơn trong việc phê chuẩn Công ước năm 2001 của UNESCO như là một nền tảng học hỏi, chia sẻ và hợp tác. Từ các phát hiện và kết luận của hội thảo, UNESCO sẵn sàng tăng cường cam kết với các cơ quan chức năng liên quan, chuyên gia và các bên liên quan khác trên toàn quốc và trên toàn cầu để khai thác tài nguyên trù phú của các vùng nước đa dạng của Việt Nam.
Hội thảo tham vấn bao gồm 5 phiên: (1) Tìm hiểu về Công ước; (2) Tổng quan về các Di sản văn hóa dưới nước ở Việt Nam: Khung pháp lý, tổ chức văn hóa và cơ chế; (3) Các mối đe dọa đối với di sản văn hóa dưới nước và các biện pháp bảo vệ; (4) Quản lý di sản văn hóa dưới nước: Nghiên cứu, Khả năng tiếp cận của công chúng, Lợi ích cho cộng đồng địa phương và du lịch bền vững; (5) Hướng dẫn Phê chuẩn Công ước/Những cân nhắc về mặt pháp lý và các vấn đề khác.
Bên cạnh phần tư vấn của bà Chihiro Nishikawa, Chuyên gia Chương trình di sản văn hóa dưới nước, Ban Thư ký Công ước 2001 về lộ trình tham gia Công ước của Việt Nam, các quy định của Công ước 2001 và các văn bản pháp lý khác của UNESCO, các chuyên gia quốc tế đã trình bày nhiều nội dung quan trọng tại Hội thảo, trong đó Giáo sư Mariano Aznar, Đại học Jaume, Cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa Tây Ban Nha đã giới thiệu về Công ước 2001, liên hệ với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) và khuôn khổ chung về hỗ trợ và hợp tác quốc tế theo Công ước 2001, nhấn mạnh khái niệm về di sản văn hóa dưới nước, các mối đe dọa đối với di sản văn hóa dưới nước (tự nhiên và con người) và các cơ chế pháp lý liên quan (UNCLOS, Luật Hàng hải,…); TS. Jun Kimura, Chuyên gia khảo cổ học dưới nước, Đại học Tokai (Nhật Bản) đã trình bày tham luận về việc quản lý di sản dưới nước và hợp tác với cộng đồng địa phương để phát triển du lịch bền vững; TS. Andrew Viduka, Chuyên gia ICOMOS về di sản văn hóa dưới nước đến từ Australia đã chia sẻ về việc quản lý di sản văn hóa dưới nước và hợp tác với cộng đồng, cụ thể trong trường hợp của Australia, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam trong việc bảo vệ di sản văn hóa dưới nước cũng như đề xuất các bước dự kiến trong quá trình chuẩn bị tham gia Công ước của Việt Nam.
Về phía Việt Nam, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền đã nêu một số văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực di sản văn hóa, được áp dụng trực tiếp vào việc quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, như: Luật Di sản văn hóa năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009); Nghị định số 86/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước… và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, bà Lê Thị Thu Hiền cho biết hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang trình Quốc hội và Chính phủ sửa đổi Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có việc chỉnh sửa, bổ sung các quy định về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung quản lý, bảo vệ đối với loại hình di sản văn hóa dưới nước mang tính đặc thù, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật, chuyên môn đặc thù này.
Tại Hội thảo, đại diện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Viện Khảo cổ học Việt Nam và một số địa phương nơi đã triển khai các hoạt động khai thác, bảo tồn các di sản văn hóa dưới nước đã chia sẻ những kết quả trong việc khai quật, quản lý, kiểm kê, bảo quản hiện vật và thực trạng, thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dưới nước.
Kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định Công ước 2001 đáp ứng và phù hợp với mục tiêu cao nhất của phía Việt Nam là bảo vệ các di sản văn hóa, trong đó có di sản văn hóa dưới nước, cho thế hệ mai sau. Thứ trưởng nhấn mạnh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xây dựng lộ trình để gia nhập Công ước 2001 trong đó sẽ tham vấn các Bộ, ngành, địa phương liên quan. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, Ban Thư ký Công ước, Văn phòng UNESCO Hà Nội và các địa phương liên quan tiếp tục hỗ trợ tham vấn để làm toàn diện các vấn đề trước khi trình cấp có thẩm quyền về việc gia nhập Công ước.
Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước được Đại hội đồng UNESCO thông qua năm 2001, giúp các quốc gia xác định, nghiên cứu và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước của họ một cách tốt hơn, đảm bảo việc bảo tồn và sự tồn tại bền vững cho thế hệ hiện tại và tương lai. Đến nay có 76 quốc gia phê chuẩn Công ước này. Công ước 2001 định nghĩa “Di sản văn hóa dưới nước có nghĩa là tất cả các dấu vết của sự tồn tại của nhân loại mang tính văn hóa, lịch sử hoặc khảo cổ nằm một phần hoặc hoàn toàn dưới nước, theo chu kỳ hoặc liên tục, trong ít nhất 100 năm…” Các tài liệu liên quan đến Công ước được đăng tải trên website: https://www.unesco.org/en/underwater-heritage/2001-convention |
Nguyễn Oanh-Ảnh: Ban Tổ chức
Bản quyền Website thuộc Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch)
Chịu trách nhiệm: Bà Nguyễn Phương Hoà – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế
Địa chỉ: 51 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024-39434217 Fax: 024-39437101
Ghi rõ nguồn Website http://icd.gov.vn khi phát hành lại từ trang web này
Bếp Hoàng Cương địa điểm đáng tin cậy nhất để mua các dòng bếp từ nhập khẩu, máy hút mùi, máy lọc nước, lò nướng với giá tốt nhất tại https://bephoangcuong.vn đến với bếp Hoàng Cương bạn sẽ được đảm bảo về chất lượng cũng như giá cả