Ngày 8/11/2024, trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII) đã diễn ra Hội thảo “Tiêu điểm Điện ảnh Đức”.
Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông; Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam Helga Margarete Barth; ông Oliver Brandt, Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam; các chuyên gia, nhà làm phim trong nước và quốc tế; các giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, Viện nghiên cứu về điện ảnh. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham dự của 2 diễn giả người Đức: Đạo diễn, Nhà biên kịch Sophia Linnenbaum và Đạo diễn, Diễn viên Axel Ranisch.
Phát biểu Khai mạc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết Hội thảo “Tiêu điểm Điện ảnh Đức” là hoạt động rất có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức (1975 - 2025). Thứ trưởng nhấn mạnh “Điện ảnh Đức đương đại đã xác lập vị trí của mình trên bình diện quốc tế nhờ vào sự kết hợp giữa kể chuyện sáng tạo, phản ánh về các vấn đề lịch sử và xã hội, cùng với kỹ thuật làm phim xuất sắc. Nhiều bộ phim Đức đã được đề cử và giành giải thưởng tại các sự kiện quốc tế danh giá, như giải Oscar, Cành cọ vàng. Các nhà làm phim Đức hiện nay được coi là những người đóng góp quan trọng cho điện ảnh toàn cầu, cả về nghệ thuật và nội dung”. Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng rằng thông qua hội thảo, những nội dung trao đổi của các diễn giả, đại biểu, đặc biệt là nội dung do hai nhà làm phim Đức chia sẻ sẽ là những kinh nghiệm hữu ích cho những người làm phim trong nước và quốc tế tham dự Liên hoan Phim.
Bà Helga Margarete Barth, Đại sứ CHLB Đức bày tỏ vui mừng và cảm ơn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo “Tiêu điểm điện ảnh Đức” trong khuôn khổ Liên hoan phim, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Bà Helga Margarete Barth cũng chia sẻ về tình yêu của cá nhân bà với điện ảnh và hi vọng rằng với sự tham dự của nhiều đạo diễn, nhà sản xuất, nhà làm phim, Hội thảo sẽ tạo cơ hội để các bên thảo luận những vấn đề, nội dung hữu ích. Bà tin tưởng rằng sau Hội thảo này, quan hệ hợp tác Việt Nam và Đức sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là điện ảnh.
Hội thảo gồm 3 phiên thảo luận: (1) Chính sách phát triển điện ảnh của Chính phủ Đức, những yếu tố tạo nên thành tựu của điện ảnh hiện đại Đức; (2) Những xu hướng sáng tác mà điện ảnh hiện đại Đức hướng tới, vai trò quảng bá văn hóa, đất nước của những nhà làm phim Đức đương đại; (3) Hành trình đến với Liên hoan Phim cũng như những giải thưởng điện ảnh được tổ chức tại Đức.
Tại Phiên thảo luận 1 về Chính sách phát triển điện ảnh của Chính phủ Đức, những yếu tố tạo nên thành tựu của điện ảnh hiện đại Đức, bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL khẳng định, Cục Hợp tác quốc tế luôn tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hoá trong đó có điện ảnh thông qua việc tìm hiểu thế mạnh và những chính sách điện ảnh tiên tiến của các nước để kết nối và thúc đẩy hợp tác. Bà Trần Hải Vân hi vọng rằng Việt Nam và Đức sẽ tạo cây cầu hợp tác và học hỏi lẫn nhau, theo đó, mong muốn phía Đức chia sẻ thông tin về các chính sách, biện pháp như việc thành lập các quỹ đặc biệt dành cho các nhà làm phim độc lập/nhà làm phim trẻ khi các phim của họ khó cạnh tranh với các bộ phim thương mại, cũng như các chính sách hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh, trao đổi chuyên gia để hỗ trợ các nước đang phát triển, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp điện ảnh.
Bà cũng chia sẻ, Việt Nam đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp sáng tạo, trong đó việc xây dựng các thương hiệu Liên hoan phim quốc tế như LHP quốc tế Hà Nội, LHP Châu Á Đà Nẵng hay LHP quốc tế TP. Hồ Chí Minh là một trong những yếu tố quan trọng nhằm khẳng định vai trò của văn hoá sáng tạo trong phát triển bền vững kinh tế-xã hội của địa phương. Cụ thể, hiện TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng hồ sơ để gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UCCN về lĩnh vực điện ảnh. Trên tinh thần đó, Bà Trần Hải Vân mong rằng các chuyên gia, nhà làm phim của Đức sẽ chia sẻ kinh nghiệm và phương hướng chính sách để hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng.
Chia sẻ về những chính sách phát triển điện ảnh của Chính phủ Đức, Đạo diễn, Diễn viên Axel Ranisch cho biết người Đức rất ít khi đi ra rạp xem phim và chủ yếu xem phim qua kênh truyền hình hoặc các nền tảng trực tuyến như Netflix, đó là một thách thức đối với những nhà làm phim, đặc biệt là những nhà làm phim trẻ. Hiện tại 90% những bộ phim sản xuất ở Đức được đồng hành sản xuất với truyền hình. Ông cũng chia sẻ Đức có hơn 400 Liên hoan phim và các Liên hoan phim là dịp để các nhà làm phim giới thiệu, quảng bá phim trực tiếp đến khán giả và đưa phim tiếp cận đến nhiều khán giả hơn. Tại Đức, mỗi khu vực sẽ có những chính sách riêng về hỗ trợ về tài chính cho điện ảnh.
Đạo diễn, Nhà biên kịch Sophia Linnenbaum chia sẻ thêm, Đức có quỹ và những chương trình hỗ trợ các nhà làm phim trẻ để sản xuất bộ phim đầu tay, đồng thời có những chương trình, khóa học học đào tạo về làm phim trong vòng nhiều năm nhằm mục đích nâng cao năng lực, trao đổi kinh nghiệm.
Theo thông tin từ ông Oliver Brandt, Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam, Đức có hơn 400 Liên hoan phim với nhiều chủ đề và khía cạnh khác nhau và các LHP ngày càng mang tính bao trùm và có khả năng tiếp cận đến nhiều đối tượng khán giả, trong đó có giới trẻ, tạo cơ hội để các nhà làm phim nói lên tiếng nói của mình. Về việc tìm kiếm cơ hội hợp tác, ông Oliver cho biết cho biết có nhiều cơ hội để nộp đơn và tiếp cận các quỹ, khi có thông tin, họ sẽ mở đơn và đăng lên các nền tảng truyền thông. Các chương trình hỗ trợ của Đức có thể không thường niên nhưng đôi khi sẽ có những chương trình tập trung vào một số khu vực cụ thể như Đông Nam Á, đây sẽ là cơ hội tiềm năng để tiếp cận các quỹ.
Các diễn giả, chuyên gia điện ảnh và các nhà làm phim cũng thảo luận sôi nổi về chủ đề “bản sắc văn hóa” trong làm phim. Đạo diễn, nhà biên kịch Lương Đình Dũng nhấn mạnh “văn hóa” là yếu tố quan trọng, là một trong những tiêu chí làm nên thành công của một bộ phim. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho rằng, các nhà làm phim Việt cần đem bản sắc văn hóa Việt Nam vào trong tác phẩm của mình, bởi rất nhiều khán giả nước ngoài yêu thích việc tìm hiểu văn hóa, họ sẽ dễ dàng chú ý tới các dự án Việt. Đạo diễn Sophia Linnenbaum chia sẻ về cách tiếp cận khi cô làm phim, đó là tập trung khai thác và khắc họa những vấn đề về con người, về xã hội chứ không chỉ tập trung vào bản sắc cụ thể của một quốc gia, và với cô, điện ảnh là ngôn ngữ toàn cầu.
Tại Hội thảo, các diễn giả, đạo diễn, nhà sản xuất cũng đã trao đổi về nhiều nội dung khác như việc tiếp cận nhà sản xuất phim lớn của các nhà làm phim trẻ, đơn giản hóa các thủ tục tham gia Liên hoan phim, lựa chọn các Liên hoan phim uy tín…
Nguyễn Oanh – Ảnh: Ban Tổ chức
Bản quyền Website thuộc Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch)
Chịu trách nhiệm: Bà Nguyễn Phương Hoà – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế
Địa chỉ: 51 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024-39434217 Fax: 024-39437101
Ghi rõ nguồn Website http://icd.gov.vn khi phát hành lại từ trang web này
Bếp Hoàng Cương địa điểm đáng tin cậy nhất để mua các dòng bếp từ nhập khẩu, máy hút mùi, máy lọc nước, lò nướng với giá tốt nhất tại https://bephoangcuong.vn đến với bếp Hoàng Cương bạn sẽ được đảm bảo về chất lượng cũng như giá cả