Ngày 21/5/2025, Tại khách sạn Daewoo, Hà Nội, Cục Hợp tác quốc tế, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu văn hóa và giới thiệu du lịch “Trà hài hòa thế giới – Nhã tập 2025”. Tham dự hoạt động, về phía Trung Quốc có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHND Trung Hoa tại nước CHXHCN Việt Nam đồng chí Hà Vĩ và Phu nhân, cán bộ lãnh đạo Đại sứ quán Trung Quốc. Về phía Việt Nam có đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng CS Việt Nam, Phó trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Trung, đồng chí Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, đồng chí Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cùng nhiều đại biểu, khách mời đến từ Việt Nam và Trung Quốc.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đồng chí Hà Vĩ nhấn mạnh Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng gần gũi, núi sông liền một dải, là người bạn thân thiết, là đối tác tin cậy và là đồng chí cùng chung lý tưởng, cùng chia sẻ tương lai. Năm 2025 là năm kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, cũng là năm được Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí lựa chọn làm “Năm Giao lưu nhân văn Trung – Việt”. Trong thời điểm lịch sử có ý nghĩa đặc biệt, ngay sau chuyến thăm thành công tới Việt Nam mới đây của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, việc Quảng Tây tổ chức đoàn sang Việt Nam triển khai sự kiện quảng bá “Trà hài hòa thế giới” – Nhã tập 2025 không chỉ là hoạt động thiết thực nhằm hiện thực hóa nhận thức chung cấp cao giữa hai Đảng, hai nước, mà còn là biểu hiện sinh động của việc kế thừa tình hữu nghị truyền thống, thúc đẩy gắn kết nhân dân hai nước.
Trung Quốc là cái nôi của trà, có văn hóa trà lâu đời, phong phú và sâu sắc. Tinh thần “Trà hài hòa thế giới” hàm chứa những giá trị như “hòa nhập mà không hòa tan” và “cùng tôn vinh cái đẹp”, hoàn toàn tương đồng với tầm nhìn lớn là thúc đẩy xây dựng một cộng đồng nhân loại gắn kết, cùng chia sẻ tương lai. Văn hóa trà đề cao sự phát triển hài hòa với thiên nhiên. “Người Trung Hoa luôn sống hài hoà với thiên nhiên và cùng chứa đựng giá trị chung hài hoà, phản ánh cách Trung Quốc ứng xử với thế giới. Đồng chí Tập Cận Bình từng chỉ ra rằng: Chỉ khi thế giới tốt thì Trung Quốc mới tốt được và khi Trung Quốc tốt thì thế giới sẽ tốt đẹp hơn. Trung Quốc luôn đặt các nước láng giềng lên hàng đầu trong các mối quan hệ ngoại giao cùng xây dựng hoà bình, ổn định và phát triển. Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa núi sông liền kề chung cộng đồng chia sẻ tương lai”.
Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Trung đồng chí Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ tại, Trà là biểu tượng chung của nền văn minh phương Đông, và cũng là “sứ giả xanh” trong giao lưu hữu nghị Việt – Trung. Cả hai nước đều có truyền thống uống trà, thưởng trà. Từ trí tuệ trong “Trà Kinh” của Lục Vũ thời Đường đến triết lý “Thiền trà nhất vị” của Việt Nam, nhân dân hai nước lấy trà làm cầu nối, viết nên lịch sử đối thoại và giao lưu văn minh: “Một chén trà nhắc chuyện xưa nay, giang sơn cùng chung một tấm lòng”.
Cục trưởng Nguyễn Phương Hòa bày tỏ vui mừng thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tham dự và phát biểu tại hoạt động, đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực tổ chức sự kiện. Sự kiện “Trà hài hòa thế giới” Nhã tập 2025 đã tô điểm vào bức tranh rực rỡ sắc màu trong quan hệ giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa, du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc. Văn hóa trà của Trung Quốc là một phần quan trọng trong di sản văn hóa lâu đời, đồ sộ của nền văn minh Trung Hoa. Không chỉ đơn thuần là một thói quen thưởng thức đồ uống mà quan trọng hơn, nó phản ánh triết lý sống, mỹ học, nghi lễ và giá trị xã hội của người Trung Quốc. Văn hóa trà là nghệ thuật sống chậm giữa một thế giới đầy vội vàng, biến động – một nét đẹp sâu sắc, xứng đáng được trân trọng, gìn giữ và lan toả qua các thế hệ.
Bà Nguyễn Phương Hòa cũng cho rằng Việt Nam và Trung Quốc còn cùng chung dòng chảy lịch sử, chung lý tưởng cách mạng, đây là những di sản quý báu được hun đúc qua thời gian. Trong bối cảnh đó, chương trình giới thiệu du lịch “Hành trình đỏ hữu nghị Việt – Trung tại Quảng Tây theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh” là hoạt động có giá trị sâu sắc trong việc tái hiện lịch sử, bồi đắp tình cảm hữu nghị và làm sâu sắc thêm mối quan hệ truyền thống giữa nhân dân hai nước.
Quảng Tây, vùng đất nổi tiếng với thiên nhiên trác tuyệt, bản sắc văn hóa phong phú và nền ẩm thực đặc sắc, chính là nơi lưu giữ những dấu ấn quan trọng trong hành trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đã nhiều lần qua lại nơi đây trong quá trình tìm đường cứu nước, gây dựng phong trào cách mạng Việt Nam và phát triển tình hữu nghị Việt – Trung. Việc tái hiện và giới thiệu “Hành trình đỏ hữu nghị” là sự kết nối ý nghĩa giữa quá khứ và hiện tại, giúp người dân hai nước – đặc biệt là thế hệ trẻ – hiểu hơn về mối quan hệ đặc biệt đã được xây dựng bằng mồ hôi, trí tuệ và tình cảm chân thành của các bậc tiền nhân, đồng thời mở ra những cơ hội mới để phát triển sản phẩm du lịch lịch sử – văn hóa liên quốc gia đầy tiềm năng.