Sáng ngày 30/12/2024, Cục Hợp tác quốc tế đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác hợp tác quốc tế năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị, cùng dự có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, toàn thể cán bộ công chức, viên chức của Cục Hợp tác quốc tế.
Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa cho biết năm 2024, công tác văn hóa đối ngoại có sự chuyển biến tích cực từ “giao lưu” sang “hợp tác” là kết quả của việc chuyển đổi tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý văn hóa”.
Để tạo lập khuôn khổ hợp tác, thúc đẩy hội nhập quốc tế, tận dụng các nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế, trong năm 2024, Cục Hợp tác quốc tế đã tham mưu Bộ tiến hành đàm phán, ký kết 11 văn kiện hợp tác quốc tế (trong đó có 2 thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ và 9 thỏa thuận quốc tế cấp Bộ), cho phép các đơn vị thuộc Bộ ký kết 27 văn bản hợp tác với các đối tác nước ngoài, mở rộng quan hệ quốc tế đồng thời góp phần đưa các quan hệ song phương đi vào chiều sâu, thực chất.
Nhiều văn kiện được ký kết trước sự chứng kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thể hiện mức độ cam kết và sự tin cậy cao như Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2024-2028 giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Văn hóa Pháp (ký kết nhân chuyến thăm chính thức Pháp và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào tháng 10-2024); Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2024-2026 giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Văn hóa nghệ thuật và Di sản Chile (nhân chuyến thăm chính thức Chile của Chủ tịch nước Lương Cường vào tháng 11-2024); Chương trình Hợp tác văn hóa giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Văn hóa và Sáng tạo Hungary giai đoạn 2024-2026, chương trình hợp tác giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Văn hóa Rumani trong lĩnh vực văn hóa (nhân chuyến thăm chính thức Hungary, Rumani vào tháng 1-2024 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính); Ý định thư giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Ấn Độ về Bảo tồn và phục hồi Khu tháp F tại Mỹ Sơn, Quảng Nam; Bản ghi nhớ về hợp tác và phát triển khu phức hợp di sản hàng hải quốc gia giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Cảng, Vận tải và Đường thủy Ấn Độ (nhân chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 8-2024); Bản ghi nhớ hợp tác về văn hóa và quan hệ nhân dân giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (nhân chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân vào tháng 3-2024)…
Điều đáng chú ý là kể từ năm 2024, hiệu quả thực hiện các cam kết quốc tế được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Kế hoạch triển khai các văn kiện quốc tế được Cục Hợp tác quốc tế tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành ngay sau khi ký kết, phân công rõ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp với các hoạt động cụ thể. Hằng tháng, Chính phủ họp để rà soát tiến độ thực hiện các cam kết quốc tế ký kết gắn với các chuyến thăm cấp cao.
Việc ký kết các văn kiện mang lại hiệu quả thực chất. Đơn cử như Chương trình hợp tác giữa 2 Bộ Văn hóa Việt Nam – Pháp là sáng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đưa ra tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Văn hóa Pháp vào cuối năm 2023 đã được ta chủ động xây dựng nội dung, trao đổi thống nhất với phía Pháp và việc ký kết đã mở ra cơ hội hợp tác thực chất với nhiều dự án cụ thể.
Các hoạt động văn hóa đối ngoại trong các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi thông điệp hữu nghị, hòa bình, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, xúc tiến du lịch, đầu tư, thương mại…
Năm 2024, các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tiếp tục hiện diện đậm nét trong các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa các nước anh em. Chương trình biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ, giảng viên hàng đầu Việt Nam từng học tập và đào tạo tại Trung Quốc nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội đến CHND Trung Hoa tháng 4-2024, “Ngày Văn hóa Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức tại Mông Cổ nhân chuyến thăm chính thức Mông Cổ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (tháng 10-2024) chào mừng kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là những dấu ấn về tình cảm hữu nghị giữa lãnh đạo và nhân dân Việt Nam với các nước bạn bè truyền thống, góp phần phát triển quan hệ với các nước một cách toàn diện trên nền tảng chia sẻ sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.
Năm nay, các hoạt động văn hóa đối ngoại phục vụ Thủ tướng Chính phủ còn có sự gắn kết với các hoạt động xúc tiến du lịch, đầu tư, thương mại…, tiêu biểu như Diễn đàn Xúc tiến Du lịch và Hợp tác Văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 6-2024 được coi là hình mẫu trong việc thực hiện quảng bá, xúc tiến ra thị trường thế giới. Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao đã chứng kiến việc ký kết 9 văn kiện hợp tác, thiết lập đường bay mới, các dự án du lịch thông minh, chuyển đổi số, hợp tác sản xuất phim, phát triển công nghiệp âm nhạc… tạo xung lực mới trong việc hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc. Tiếp nối thành công Diễn đàn tại Hàn Quốc, đầu tháng 11 vừa qua, Lễ hội Du lịch Văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc, trong đó có các chương trình biểu diễn nghệ thuật và giới thiệu du lịch tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam và thành phố Trùng Khánh đã được tổ chức nhân chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc và “Năm giao lưu nhân văn Việt – Trung năm 2025”. Chương trình đã góp phần đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch Việt Nam và Trung Quốc, mang lại hiệu quả thiết thực với phương châm “liên kết chặt chẽ; phối hợp nhịp nhàng; hợp tác sâu rộng; bao trùm, toàn diện; hiệu quả, phù hợp”.
Chủ động tổ chức các hoạt động giới thiệu văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương và đẩy mạnh quảng bá các giá trị văn hóa, lan tỏa sức mạnh mềm ra thế giới
Trong năm 2024, cùng với các chương trình phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL đã tổ chức 11 các chương trình tuần, ngày văn hóa, lễ hội văn hóa du lịch Việt Nam ở nước ngoài, góp phần giới thiệu quảng bá đất nước, con người và nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, truyền tải thông điệp về các định hướng phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam, tăng cường gắn kết tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè các nước, đưa quan hệ của Việt Nam và các nước đi vào chiều sâu. Tiêu biểu phải kể đến chương trình “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga” do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì với hàng loạt các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, chiếu phim, chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam… tại Thủ đô Moscow, cố đô St.Petersburg và thành phố Ulyanovsk vào tháng 7-2024. Đây là hoạt động diễn ra ngay sau chuyến thăm Cấp nhà nước của Tổng thống Liên bang Nga V.V.Putin đến Việt Nam ngày 20-6-2024, là hoạt động đầu tiên triển khai một cách thiết thực, hiệu quả Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga, đồng thời có ý nghĩa sâu sắc trong việc kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga. Chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ VHTTDL tới Liên bang Nga có ý nghĩa chính trị hết sức sâu sắc với những kết quả quan trọng trên cả 3 lĩnh vực hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch, thành lập và khởi động các Tổ công tác Việt – Nga trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao do lãnh đạo Bộ làm Tổ trưởng, đặt ra những mục tiêu, nội dung hoạt động cụ thể để thúc đẩy, tăng cường hợp tác thực chất hơn nữa với trọng tâm ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Để tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, năm 2024, Cục Hợp tác quốc tế đã đón gần 30 đoàn làm phim quốc tế, các hãng thông tấn báo chí quốc tế vào Việt Nam làm phim, đưa tin, viết bài giới thiệu, quảng bá, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tại các địa phương trên cơ sở nguồn kinh phí chủ động của các hãng phim quốc tế, hoặc xã hội hóa. Đây là kênh thông tin hiệu quả đưa hình ảnh Việt Nam lên sóng các hãng truyền thông hàng đầu thế giới.
Tiếp tục chủ động hội nhập sâu rộng tại các cơ chế quốc tế về văn hóa, thể hiện vai trò thành viên tích cực tại các diễn đàn đa phương
Tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc UNESCO, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã trao đổi cùng Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azouley, khẳng định vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước và sự đóng góp ngày càng tích cực của Việt Nam trong việc tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam cùng lúc đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các cơ chế của tổ chức quốc tế uy tín này bao gồm thành viên Hội đồng Chấp hành và thành viên Ủy ban liên Chính phủ 3 Công ước quan trọng hàng đầu về văn hóa (Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025, thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 và thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027). Trong năm 2024, Việt Nam đón tin vui khi “Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam ” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể; Bản đúc nổi Cửu đỉnh được ghi danh di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương; hoàn thành 2 báo cáo quốc gia thực hiện Công ước UNESCO 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa giai đoạn 2020-2023 và báo cáo quốc gia Công ước UNESCO 2005 về chống doping trong thể thao), đồng thời tổ chức Hội thảo tham vấn về Triển vọng Gia nhập Công ước UNESCO 2001 về Bảo vệ Di sản văn hóa dưới nước…
Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu nền văn hóa dân tộc, xây dựng Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.
Với chủ trương đẩy mạnh giao lưu văn hóa quốc tế, tạo cơ hội cho công chúng Việt Nam tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, Bộ VHTTDL tiếp tục tăng cường, phối hợp với Bộ Văn hóa các nước, các cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam và Trung tâm văn hóa các nước tại Hà Nội tổ chức nhiều chương trình văn hóa – nghệ thuật nước ngoài tại Việt Nam, tạo điều kiện cho khán giả trong nước có cơ hội thưởng thức trực tiếp sản phẩm sáng tạo từ nước ngoài, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của người dân, đồng thời, khẳng định Việt Nam là nơi giao lưu, chia sẻ giữa các nền văn hóa, một điểm đến quốc tế uy tín, chất lượng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Tích cực triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025
Đối với kế hoạch năm 2025, Cục trưởng Nguyễn Phương Hòa cho biết, Cục Hợp tác quốc tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế, chuyển hóa tư duy “Gặp gỡ, giao lưu” sang “Hợp tác đích thực”. Năm 2025 là dấu mốc quan trọng, là năm cuối cùng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 05 năm 2021-2025 của Đại hội Đảng lần thứ XIII; Năm 2025 có nhiều kỷ niệm ngày lễ trọng đại của đất nước, đồng thời cũng là năm kỷ niệm năm chẵn, năm tròn với nhiều nước đối tác chiến lược, Cục Hợp tác quốc tế sẽ tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 09/1/2023 và Kết luận số 71KL/TW ngày 16/2/2024 của Bộ Chính trị về đối ngoại, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tích cực chuẩn bị nội dung đóng góp cho việc tổng kết 40 năm đổi mới và xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng và xây dựng các dự án để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Tiếp tục triển khai công tác đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch với các nước, dự kiến ký kết 05 văn bản hợp tác quốc tế.
Chủ động thực hiện Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 25-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam, dành ưu tiên tổ chức các Tuần/Ngày văn hóa, du lịch Việt Nam tại nước ngoài, các chương trình văn hóa nghệ thuật kỷ niệm năm chẵn, năm tròn quan hệ ngoại giao, tập trung vào các địa bàn: Trung Quốc (75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, năm giao lưu nhân văn Việt Nam – Trung Quốc), Nga (kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao); Hoa Kỳ (30 năm quan hệ ngoại giao); Indonesia (70 năm quan hệ ngoại giao); CHLB Đức, Hy Lạp (kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao), Ba Lan, CH Séc, Hungary, Bulgaria (kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao), Cuba (65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao), Mexico (50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao), New Zealand (50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao)… Cục Hợp tác quốc tế kiến nghị tổ chức sự kiện văn hóa ở nước ngoài: Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Ba Lan, Séc; Những ngày văn hóa Việt Nam tại Bungari và Hy Lạp, Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ; Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc và Triều Tiên; Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Ai Cập.
Đẩy mạnh triển khai Đề án Việt Nam tham gia Triển lãm Thế giới EXPO 2025 tại Osaka, Kansai, Nhật Bản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 324/QĐ-TTg ngày 22/4/2024.
Tiếp tục tổ chức khai thác hiệu quả hợp tác trong khuôn khổ đa phương tại các tổ chức quốc tế như: ASEAN, APEC, UNWTO, UNESCO, IFACCA, ASEM, OIF, GMS, APEC, UNWTO… Tích cực kế hoạch triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN trong vai trò Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Thể thao ASEAN năm 2025; tham dự Hội nghị thế giới của UNESCO về chính sách văn hóa và phát triển bền vững năm 2025…
Hỗ trợ các địa phương xây dựng, bảo vệ hồ sơ thành phố sáng tạo: Hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh nộp hồ sơ gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong năm 2025.
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã phát biểu, làm rõ hơn về công tác phối hợp giữa các đơn vị với Cục Hợp tác quốc tế, đánh giá cao kết quả công tác của Cục Hợp tác quốc tế. Các đại biểu đều thống nhất đánh giá cao tính chuyên nghiệp, tinh thần làm việc hăng say, chí công vô tư, cống hiến để giải quyết công việc của cán bộ Cục Hợp tác quốc tế, các nỗ lực đã tạo nên thành quả, các sự kiện quốc tế của ngành ngày càng chuyên nghiệp, đóng góp sâu rộng cho thành tích chung của ngành VHTTDL. Các đại biểu đồng thời nêu các kiến nghị, đề xuất nâng cao hơn nữa công tác phối hợp trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương biểu dương những kết quả trong công tác đối ngoại của Cục Hợp tác quốc tế. Thứ trưởng cho rằng các cán bộ công chức, viên chức của Cục Hợp tác quốc tế có năng lực, chuyên nghiệp, đã chủ động trong công tác, có phương pháp làm việc sáng tạo. Thứ trưởng đề nghị Cục Hợp tác quốc tế đẩy mạnh tổ chức các hoạt động, sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế, đồng thời tiếp tục ký kết các văn kiện hợp tác, làm cơ sở để triển khai các nhiệm vụ tiếp theo, chú trọng việc tham mưu xây dựng các dự án triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa như đề án xây dựng các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, trong đó có Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc, đề án “quốc tế hóa hệ giá trị văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa tinh hoa văn hóa thế giới”… Cục Hợp tác quốc tế cần kết nối với các doanh nghiệp hỗ trợ, tìm đầu mối để chủ động phát huy, đa dạng nguồn lực để tổ chức các sự kiện quốc tế.
Cục trưởng Nguyễn Phương Hòa đại diện tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức Cục Hợp tác quốc tế tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng và cảm ơn sự đồng hành, phối hợp của các Cục, Vụ trong thời gian qua, đồng thời mong tiếp tục nhận được sự hợp tác để hoàn thành các kế hoạch và nhiệm vụ được giao năm 2025 với tinh thần “Chỉ bàn làm, không bàn lùi” để thực hiện “3 Quyết tâm – 4 Chủ động – 5 Hiệu quả”.