Ngày 07/9/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Du lịch cấp cao “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch” – sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động thuộc khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 17 (ITE HCMC 2023).
Tham dự Diễn đàn có ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, nước CHXHCN Việt Nam; ông Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông; ông Cao Huy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành, tỉnh/thành phố và cơ quan liên quan.
Về phía quốc tế có sự tham dự của ông Sok Soken, Bộ trưởng Bộ Du lịch, Vương quốc Campuchia; ông Ounethouang Khao Phanh, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; ông U Phyo Zaw Soe, Thứ trưởng Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar cùng các Đại sứ, Tổng Lãnh sự và đại diện các thành phố Phnom Penh, Viêng Chăn, Yangon, Brisbane, … và các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, tập đoàn công nghệ trong nước và quốc tế.
Phát biểu Khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh du lịch là một trong những lĩnh vực ưu tiên cần phải thúc đẩy quá trình số hóa trong hoạt động kinh doanh ở quy mô toàn cầu. Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách về kinh tế số, chuyển đổi số trong đó du lịch số là một trong những lĩnh vực được xác định ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao. Với một quan điểm xuyên suốt là tập trung phát triển du lịch thông minh để nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, bám sát phương châm “doanh nghiệp và người dân là chủ thể; khách du lịch trung tâm; sản phẩm và hạ tầng du lịch là nền tảng; dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực”, thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam, thúc đẩy gia tăng khách du lịch nội địa, chuyển đổi số vừa là động lực tạo sức bền cho ngành du lịch, vừa phát huy được những thành quả đã tạo dựng và mở ra một không gian tiềm năng mới cho ngành du lịch phát triển xanh, hiệu quả và bền vững. Diễn đàn là cơ hội để ngành du lịch Việt Nam được lắng nghe các ý kiến tư vấn, các khuyến nghị của các chuyên gia về chuyển đổi số du lịch gắn với điều kiện cụ thể thực tế ở Việt Nam, được học hỏi kinh nghiệm của các nước bạn, để góp phần chuyển đổi số du lịch Việt Nam ngày càng đáp ứng vào quá trình phát triển kinh tế số Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá du lịch không chỉ là ngành kinh tế quan trọng, mà còn thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, có tính hội nhập cao, đòi hỏi tư duy không ngừng đổi mới sáng tạo. Để có thể phát triển nhanh hơn và mang tính bứt phá bền vững hơn, ngành Du lịch cần có không gian phát triển mới, hạ tầng mới, tài nguyên mới và phương thức thực hiện hiệu quả và bền vững hơn. Chuyển đổi số là chìa khóa giúp giải quyết bài toán này và hướng tới mô hình quản trị hiệu quả, kết nối logistics với các ngành dịch vụ khác. Thủ tướng nhấn mạnh một số giải pháp trọng tâm mà ngành du lịch cần triển khai, bao gồm: (1) Phát triển chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số trong đó Chính phủ đi đầu trong chuyển đổi số, đối với ngành du lịch, tập trung số hóa dữ liệu về di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu du lịch, điểm đến, hay nói cách khác, phải đưa tất cả tất cả các tài nguyên du lịch và toàn bộ hệ sinh thái du lịch được đưa lên một hệ thống kết nối dữ liệu; (2) thiết lập môi trường pháp lý đồng bộ cho chuyển đổi số và kinh tế số; (3) phát triển hạ tầng kết nối an toàn với tốc độ cao theo thời gian thực; (4) phát triển nguồn nhân lực, khai thác ưu thế về người dùng internet, thiết bị di động để hình thành xã hội số; (5) thúc đẩy xúc tiến, quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch; liên kết, kết nối du lịch trong nước và quốc tế.
Dưới góc độ quản lý của địa phương, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, trong ngành Du lịch, chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm phát huy sức mạnh của công nghệ phục vụ liên kết du lịch và giữa các bên trong hệ sinh thái du lịch thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng “Đề án Du lịch thông minh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến 2030”, qua đó xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền thời quan tới. Thực hiện Đề án này, UBND thành phố đã chỉ đạo ngành Du lịch triển khai nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ số trong công tác truyền thông, quảng bá du lịch như vận hành ứng dụng phần mềm du lịch thông minh; ứng dụng Công nghệ 3D; cổng thông tin điện tử; chuyển đổi số tại các khách sạn… Ngành Du lịch đã cập nhật tài nguyên du lịch lên các nền tảng của Google, sàn giao dịch thương mại điện tử.
Diễn đàn gồm 02 phiên tham luận với chủ đề: (1) Vai trò của chuyển đổi số trong phát triển du lịch và (2) Giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong ngành du lịch.
Phiên 1 tập trung thảo luận về vai trò của chuyển đổi số trong công tác xúc tiến điểm đến, kinh nghiệm về chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch quốc tế, giải pháp phát triển nguồn nhân lực số phục vụ ngành du lịch, vai trò của Chương trình chuyển đổi số quốc gia trong kết nối du lịch với các ngành liên quan, với các bài trình bày tham luận của các chính khách, nhà quản lý như ông Mayur Patel – thành viên Hội đồng quản trị, Hiệp hội Du lịch Châu Á-Thái Bình Dương (PATA), ông Sok Soken – Bộ trưởng Bộ Du lịch, Vương quốc Campuchia; ông Ounethouang Khao Phanh – Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, ông Yamashita Yukio – Chuyên gia dự án cấp cao Viện nghiên cứu giao thông và du lịch Nhật Bản (JTTRI), PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Phiên 2 gồm các nội dung: chia sẻ kinh nghiệm khai thác nền tảng Bảo tàng số phục vụ quảng bá du lịch, vai trò của các nền tảng du lịch trong phát triển du lịch, giải pháp chuyển đổi số tạo thuận lợi đi lại cho khách du lịch, giải pháp chuyển đổi số lĩnh vực hàng không phục vụ khách du lịch, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động phục hồi kinh doanh du lịch sau đại dịch Covid-19, giải pháp chuyển đổi số lĩnh vực hàng không tăng cường trải nghiệm khách du lịch, với sự tham gia trình bày của đại diện các doanh nghiệp du lịch, công nghệ trong nước và quốc tế, bao gồm đại diện của Google, Traveloka, Amadeus IT. Group, Vietnam Airlines, Vietjet, Saigontourist.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các diễn giả tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kết luận: Diễn đàn là dịp để chứng minh, làm rõ hơn, biểu hiện quyết liệt của ngành du lịch trong việc thực hiện Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng cũng như quy định của pháp luật, đặc biệt toàn ngành đang tập trung thực hiện Nghị quyết 82 của Chính phủ, xác định chuyển đổi số và du lịch thông minh là một yêu cầu có tính chất bắt buộc mà Việt Nam phải triển khai. Bộ trưởng nhấn mạnh “Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu khách quan mà tất cả các quốc gia phải hướng đến”. Hai nhóm nội dung lớn được đưa ra tại Diễn đàn: Một là, làm rõ vai trò của số hóa trong lĩnh vực du lịch, khẳng định những đóng góp tích cực của số hóa và thực tiễn công tác số hóa trong thời gian qua đã chứng minh góp phần tăng trưởng du lịch như thế nào; Hai là các giải pháp cụ thể của từng công ty, từng đơn vị góp phần kiến tạo giải pháp chung và bài học kinh nghiệm rút ra từ nhóm giải pháp này cho những người làm công tác quản lý du lịch ở cấp độ nhà nước, trong công cụ tìm kiếm, trong quá trình xem xét phân tích, đánh giá nhu cầu và sờ thích để có giải pháp, chiến lược marketing phù hợp, trong quản trị lượng khách đến và trong các tiện ích để cung cấp cho khách hàng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các doanh nghiệp làm du lịch ở Việt Nam phải mạnh dạn hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, thấy rõ được lợi ích của chuyển đổi số để chủ động, hợp tác và nhất là kiến tạo hạ tầng để dung chung, phát triển, kết nối để đưa du lịch Việt Nam tiếp cận được và làm được du lịch thông minh.
Cùng ngày, Hội chợ ITE HCMC 2023 với chủ đề “Liên kết, phát triển, bền vững” do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC). Qua 17 lần tổ chức, Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng được mở rộng về quy mô và nâng cao về chất lượng. Hội chợ năm nay đã thu hút hơn 400 đơn vị triển lãm và thương hiệu là các cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia và địa phương, hiệp hội du lịch, viện nghiên cứu du lịch, công ty, đại lý du lịch, cơ sở lưu trú, các hãng hàng không và các đơn vị vận chuyển… Năm nay, Hội chợ ITE HCMC 2023 đã lựa chọn và mời 199 người mua quốc tế từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ là các thị trường du lịch inbound trọng điểm và tiềm năng của du lịch Việt Nam. Qua đó, Hội chợ ITE – HCMC lần thứ 17 kỳ vọng mở ra hơn 9.000 cuộc hẹn thương mại B2B giữa người mua và các đơn vị triển lãm. Sự kiện được kì vọng là biểu tượng cho sức bật, sức mạnh và sức sáng tạo của ngành du lịch Việt Nam trong thời kỳ đầy biến động và khó khăn nhưng chưa từng có của ngành du lịch toàn cầu; là nền tảng kết nối để các hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong nước, cũng như tạo sức mạnh hiệp lực nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực khi thị trường du lịch quốc tế trên đà phát triển mạnh.
Trước đó, tối ngày 06/9/2023, Gala Đêm Việt Nam với chủ đề Dáng hình Việt Nam (Shape of Viet Nam) diễn ra tại Gem Center (TP.HCM), mở đầu cho chuỗi hoạt động trong khuôn khổ ITE HCMC 2023, nhằm giới thiệu những nét đặc trưng về văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật truyền thống đến bạn bè quốc tế. Sau chương trình nghệ thuật, Lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương lần thứ 30 năm 2023 đã diễn ra. Du lịch Việt Nam vinh dự được gọi tên ở 54 hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á 2023. Ở cấp quốc gia, Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á 2023” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2023”. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam xuất sắc đạt danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á 2023”. Cùng với đó, nhiều địa phương và thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam trong các lĩnh vực khách sạn, khu nghỉ dưỡng, hãng hàng không, hãng lữ hành… cũng đã chiến thắng tại nhiều hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á của WTA 2023.