Ngày 11 tháng 3 năm 2025, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa đã có buổi làm việc với ông James Chealey – Giám đốc cấp cao khu vực phụ trách lĩnh vực sở hữu trí tuệ và các vấn đề kỹ thuật số, và ông Josh Joshua – Giám đốc chính sách khu vực, đại diện Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) để thảo luận về kinh nghiệm phát triển điện ảnh của các nước,cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này giữa Việt Nam và Hoa Kỳ,và tăng cường công tác bảo vệ bản quyền tác giả và sở hữu trí tuệ.
Mở đầu buổi tiếp, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế hoan nghênh đoàn công tác của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ đã đến làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bày tỏ sự hài lòng về kết quả hợp tác tích cực giữa Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ và Hiệp hội xúc tiến và phát triển Điện ảnh Việt Nam trong việc tổ chức cuộc thi clip ngắn trực tuyến “Tôi yêu Việt Nam” – I Love Viet Nam – nhằm lan tỏa tình yêu đất nước, đồng thời giới thiệu quảng bá với bạn bè quốc tế về Việt Nam là điểm đến du lịch và địa điểm lý tưởng để quay những bộ phim lớn và trao đổi các cơ hội hợp tác khác về điện ảnh giữa hai nước trong thời gian tới nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo.
Phát biểu đáp từ, ông James Chealey – Giám đốc cấp cao khu vực phụ trách lĩnh vực sở hữu trí tuệ và các vấn đề kỹ thuật số của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh và đề xuất Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác mạnh mẽ hơn nữa để chống lại các hành vi vi phạm bản quyền.
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Phương Hòa và ông Josh Joshua cùng trao đổi về kinh nghiệm phát triển điện ảnh thành công của một số nước trên thế giới trong đó có Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Thái Lan để rút ra kinh nghiệm, giúp điện ảnh Việt Nam có thể thành công trong ngành công nghiệp văn hóa này. Hàn Quốc là một trong những nền điện ảnh hàng đầu của châu Á. Thành công này đến từ nhiều yếu tố, đặc biệt từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc về đầu tư và hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành điện ảnh, bỏ quota hạng ngạch và bỏ kiểm duyệt phim; các nhà làm phim luôn tìm tòi và thể hiện những thể loại, đề tài mới lạ, độc đáo, chú trọng chất lượng sản xuất, từ kịch bản, diễn xuất, quay phim, đến âm thanh, kỹ xảo…; sử dụng nhiều kênh truyền thông khác nhau để quảng bá cho các nghệ sỹ, diễn viên bao gồm truyền hình, radio, mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến…
Thái Lan thực hiện nhiều biện pháp ưu đãi để phát triển ngành điện ảnh, đặc biệt là thu hút các đoàn làm phim quốc tế như áp dụng chính sách hoàn tiền cho các đoàn làm phim nước ngoài, hỗ trợ tạo điều kiện về địa điểm quay phim cho các đoàn phim, chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ ngành điện ảnh và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Công nghiệp điện ảnh Hoa Kỳ, đặc biệt là Hollywood, đã đạt được thành công vang dội trên toàn cầu với doanh thu phòng vé quốc tế chiếm tỷ lệ lớn, thu hút nhân tài và vốn đầu tư từ khắp nơi. Các hãng phim lớn của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, luôn dẫn đầu trong việc áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất phim, từ kỹ xảo đặc biệt đến định dạng phim mới, cho phép sản xuất những bộ phim bom tấn với kỹ xảo hoành tráng, khả năng sáng tạo đa dạng, tạo ra những bộ phim mang tính biểu tượng, đầu tư sản xuất phim cho các nền tảng trực tuyến, mở rộng phạm vi tiếp cận khán giả, có sức ảnh hưởng lớn đến văn hóa đại chúng trên toàn thế giới. Thành công của series phim truyền hình “The White Lotus” mùa thứ 3 được HBO sản xuất có sự tham dự của Lisa (ban nhạc BlackPink) đã thu hút lượng lớn khách du lịch tới tham quan các địa điểm quay phim tại Thái Lan. Có thể nói, sự thành công của công nghiệp điện ảnh Hoa Kỳ là kết quả của sự kết hợp giữa tài năng, công nghệ, vốn đầu tư và khả năng thích ứng nhanh với thời đại trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Bà Nguyễn Phương Hòa cho biết Việt Nam quan tâm phát triển ngành điện ảnh nước nhà, thể hiện qua việc xây dựng, sửa đổi và ban hành Luật Điện ảnh, đầu tư, hỗ trợ sản xuất phim, phát triển thị trường điện ảnh, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác quốc tế, quảng bá Việt Nam là phim trường tiềm năng, bối cảnh quay cho các nhà sản xuất, hãng phim Hollywood nói riêng và quốc tế nói chung. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ sớm ban hành thêm những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng chính sách visa và tăng cường quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động làm việc với các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp để đưa ra các biện pháp ưu đãi, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng phim của Hollywood như lưu trú, vận chuyển tại Việt Nam khi vào quay phim ở Việt Nam.
Bà Nguyễn Phương Hòa cho biết Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh. Đây là bước tiến quan trọng trong việc khẳng định vị thế của thành phố như một trung tâm văn hóa và sáng tạo hàng đầu của Việt Nam và khu vực. Bà đề nghị Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ trao đổi những sáng kiến, phối hợp tổ chức các hoạt động hợp tác về điện ảnh với Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Ông James Chealey vui vẻ nhận lời và thông báo dự kiến Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ Charlie Rivkin sẽ có chuyến thăm và làm việc ở Việt Nam vào tháng 6 tới để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực điện ảnh.
Bà Nguyễn Phương Hòa đánh giá cao sự quan tâm và thiện chí hợp tác của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ thời gian qua, đồng thời bày tỏ tin tưởng chuyến thăm của Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ Charlie Rivkin sắp tới sẽ là bước tiến quan trọng hợp tác về điện ảnh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, góp phần thúc đẩy mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Phùng Thị Thanh Thủy
Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (Motion Picture Association of America – MPA) được thành lập vào năm 1922 với sự tham gia của sáu hãng phim lớn nhất Hollywood bao gồm Walt Disney Studios, Warner Bros. Pictures, Universal Pictures, Sony Pictures Motion Picture Group, Paramount Pictures và Netflix Studios. Những hãng phim này đóng vai trò quan trọng trong việc định hình ngành công nghiệp điện ảnh Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Mục tiêu chính của MPA là lan tỏa thông điệp tới công chúng về tầm quan trọng và sự cần thiết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, vận động chính sách có lợi cho ngành công nghiệp điện ảnh, quản lý hệ thống phân loại phim và thúc đẩy hợp tác điện ảnh giữa Hoa Kỳ và các quốc gia trên thế giới. |