Ngày 01/7/2025, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Đảng ủy Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ để cho ý kiến đối với Đề án về quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình; các Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương liên quan.

Thay mặt Đảng ủy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch-cơ quan được giao chủ trì xây dựng Đề án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có báo cáo tại cuộc họp về quá trình triển khai nhiệm vụ được thực hiện bài bản, khẩn trương, xin ý kiến rộng rãi các tỉnh, thành và bộ ngành liên quan và nhận được sự ủng hộ, thống nhất cao với mục tiêu Đề án và hệ thống các giải pháp toàn diện, mang tính đột phá nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao vị thế trên trường quốc tế, góp phần tích cực đưa văn hóa Việt Nam đóng vai trò, vị trí quan trọng trong nền văn minh nhân loại.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Văn hóa là một trong những thành tố quan trọng hình thành hệ thống lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam, cùng với chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống văn hóa – lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc. Theo Thủ tướng Chính phủ, phát triển văn hóa chính là xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển đất nước bền vững. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng vai trò đặc biệt của văn hóa, thể hiện qua các quyết sách quan trọng như Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998), và các hội nghị văn hóa toàn quốc các năm 1946, 1948, 2021… Thủ tướng Chính phủ đánh giá đây là một đề án khó, có phạm vi rộng, nội dung phức tạp, yêu cầu cao về tầm nhìn, chất lượng và tính khả thi. Tuy nhiên, quá trình xây dựng đề án đã được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phân công Cục Hợp tác quốc tế-do Cục trưởng Nguyễn Phương Hòa là Tổ trưởng Tổ biên tập, chủ trì tổ chức xây dựng Đề án. Trong quá trình xây dựng, đơn vị chủ trì đã tổ chức 01 hội thảo quốc tế “Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” với sự tham gia của đông đảo đại biểu Việt Nam và quốc tế; 01 hội thảo toàn quốc với chủ đề “Quảng bá văn hóa Việt Nam và tiếp thu tinh hoa văn hóa quốc tế” được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối với tất cả các tỉnh, thành trên cả nước; các buổi tọa đàm chuyên đề, tham vấn chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động văn hóa, nghệ thuật có uy tín trong và ngoài nước, từ đó tiếp thu đa chiều các ý kiến, đảm bảo Đề án có chiều sâu lý luận và thực tiễn.


Tại cuộc họp, Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ đã thảo luận kỹ lưỡng về phạm vi, đối tượng, mục tiêu và các giải pháp của Đề án. Trong đó, đề án cần bao trùm các lĩnh vực văn hóa như: hội họa, kiến trúc, điện ảnh, âm nhạc, ẩm thực, thời trang, nghệ thuật trình diễn, triển lãm… Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện nội dung Đề án theo định hướng: “Quốc tế hóa bản sắc văn hóa dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới”, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện hai mục tiêu 100 năm của đất nước: Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, nhằm nâng cao đời sống tinh thần và mức thụ hưởng văn hóa của nhân dân – trung tâm và chủ thể của mọi chính sách phát triển.
Thủ tướng chỉ đạo xác định rõ mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045; tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Hoàn thiện thể chế, chính sách đặc thù, đột phá phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí; huy động nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích hợp tác công – tư; tạo điều kiện để người làm văn hóa sống được bằng nghề, có thu nhập xứng đáng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường truyền thông, quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam ra thế giới; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về văn hóa, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện Đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Phạm Hà Minh