Tối ngày 15/6/2023, Lễ đón Bằng UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” kết hợp khai mạc Lễ hội Nho-Vang Ninh Thuận năm 2023 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã diễn ra trọng thể tại Quảng trường 16 tháng 4, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Tham dự buổi Lễ có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, lãnh đạo một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương. Về phía quốc tế có sự tham dự của bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, đại diện Đại sứ quán các nước và các tổ chức quốc tế. Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, đại diện lãnh đạo Cục Hợp tác quốc tế, Cục Di sản văn hóa, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tham dự sự kiện.
Tại buổi Lễ, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam đã trao Bằng chứng nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thay mặt Lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương trân trọng đón nhận Bằng và trực tiếp trao lại cho đại diện lãnh đạo, cộng đồng các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.
Sau đó, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã công bố Chương trình hành động quốc gia nhằm kêu gọi các Bộ, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan hữu quan, các cộng đồng chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” và nhân dân cả nước cùng chung tay bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, với các định hướng cụ thể như: (1) hỗ trợ, khuyến khích nghệ nhân, cộng đồng truyền dạy tri thức, kỹ thuật, kỹ năng làm gốm, đặc biệt cho thế hệ trẻ. Xây dựng phương án quy hoạch, mở rộng nguồn nguyên liệu và bảo tồn các làng gốm; huy động các nguồn vốn để bảo vệ và phát huy giá trị di sản; (2) tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế mẫu mã mới trên cơ sở các giá trị của di sản; mở rộng thị trường tiêu thụ gốm để nâng cao đời sống của cộng đồng; (3) tiếp tục công tác kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản; xây dựng cơ sở dữ liệu để giới thiệu, quảng bá gốm Chăm. Xây dựng và phát triển Bảo tàng Gốm Chăm của cộng đồng, tổ chức trưng bày, trình diễn về nghề làm gốm trong bảo tàng của cộng đồng và bảo tàng cấp tỉnh; (4) tiếp tục đề xuất phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú cho những người thực hành có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm; tôn vinh, khen thưởng các thợ làm gốm, cá nhân có nhiều đóng góp bảo vệ di sản; (5) hỗ trợ cộng đồng phục hồi những lễ hội, nghi lễ liên quan; xuất bản những công trình nghiên cứu nhằm phổ biến tri thức và sự hiểu biết về gốm của người Chăm. Phối hợp với các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương, các cơ quan chuyên môn, viện nghiên cứu tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm dưới nhiều hình thức tới công chúng trong và ngoài nước. Tổ chức định kỳ Liên hoan Nghệ thuật làm gốm của người Chăm nhân dịp lễ hội Katé; phát triển hình thức du lịch di sản văn hoá…
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định sự kiện UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp cho thấy sự quan tâm, ghi nhận của thế giới dành cho văn hóa Việt Nam, là niềm tự hào của các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, của đồng bào dân tộc Chăm và của cả dân tộc Việt Nam sau nhiều năm bền bỉ, kiên trì, tâm huyết cùng nhau gìn giữ, bồi đắp, trao truyền và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể quý giá này.
Trong thời gian sắp tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương và cả cộng đồng, nhất là cộng đồng người Chăm – chủ thể sáng tạo và duy trì nghệ thuật làm gốm Chăm – chung tay thực hiện tốt, hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”. Các địa phương có di sản tiếp tục quan tâm xây dựng các chương trình, kế hoạch, bố trí nguồn lực nhằm đầu tư hạ tầng phát triển làng nghề; quảng bá, tuyên truyền sâu rộng để thúc đẩy sự gắn kết xã hội, khơi dậy ý thức và trách nhiệm của người dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ đối với việc bảo tồn và phát huy Nghệ thuật làm gốm của người Chăm tại cộng đồng, để di sản mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa, để thế giới biết nhiều hơn, hiểu sâu hơn về đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp, giàu bản sắc; góp phần thúc đẩy sự giao lưu giữa văn hóa truyền thống của dân tộc và văn hóa nhân loại.
Phát biểu đáp từ, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các tỉnh: Ninh Thuận và Bình Thuận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam khẳng định các địa phương có di sản cam kết sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng, phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”, với các giải pháp cụ thể, vừa trước mắt, vừa lâu dài để tạo sức sống mới cho di sản; để di sản mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Cùng với Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”, tỉnh Ninh Thuận đã khai mạc Lễ hội Nho – Vang Ninh Thuận năm 2023, diễn ra từ ngày 13/6/2023 đến hết ngày 18/6/2023 với các hoạt động chính như: Hội chợ Công Thương Khu vực Nam Trung Bộ – Ninh Thuận 2023; Lễ hội Ẩm thực; Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố; Chương trình nghệ thuật khai mạc, bế mạc lễ hội; Hội thảo phát triển giá trị cây nho và sản phẩm từ nho; Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”; Hoạt động tham quan trải nghiệm vườn nho, làng gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và Hành trình khám phá khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa; Thi giàn nho đẹp; các Giải thể thao hấp dẫn; Hội thi nét đẹp văn hóa các dân tộc Ninh Thuận lần thứ II-2023 và nhiều hoạt động hưởng ứng khác từ các huyện, thành phố trong tỉnh Ninh Thuận.
Lễ hội Nho-Vang được tỉnh Ninh Thuận tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014, từ đó đã trở thành lễ hội truyền thống của tỉn , được tổ chức 02 năm/01 lần nhằm mục đích xây dựng thương hiệu Lễ hội độc đáo, khác biệt, giàu bản sắc, tôn vinh người trồng nho và giá trị cây nho, sản phẩm từ nho. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng để quảng bá hình ảnh, quê hương, con người Ninh Thuận, cũng như tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển gắn với văn hóa, du lịch, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào Ninh Thuận.
Lễ trao Bằng UNESCO và Lễ hội Nho-Vang Ninh Thuận 2023 đã thu hút hàng vạn du khách địa phương, các tỉnh bạn và khách du lịch quốc tế đến tham quan, thưởng thức trong không khí hân hoan, phấn khởi, tạo nên một mùa lễ hội thành công, trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút, trong đó đảm bảo sự phát triển bền vững, được bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản văn hóa gắn với cộng đồng người Chăm – Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.