Ngày 05-06/02, được sự ủy quyền của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, TS. Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, đã tham dự cuộc họp tham vấn trực tuyến khu vực châu Á-Thái Bình Dương chuẩn bị cho Hội nghị thế giới cấp Bộ trưởng của UNESCO về chính sách văn hóa và phát triển bền vững năm 2025 (MONDICULT 2025).
Đây là một trong 6 cuộc họp tham vấn cấp khu vực do UNESCO phối hợp với một số quốc gia thành viên tổ chức nhằm đánh giá việc triển khai Tuyên bố MONDIACULT 2022 (được đưa ra tại Hội nghị thế giới cấp Bộ trưởng của UNESCO về chính sách văn hóa và phát triển bền vững năm 2022), đặc biệt tập trung vào 6 lĩnh vực ưu tiên đề cập trong Tuyên bố, đồng thời xác định các vấn đề cấp bách trong lĩnh vực văn hóa ở cấp độ khu vực. Các cuộc họp cũng là cơ hội để nâng cao nhận thức, kêu gọi sự ủng hộ của các quốc gia thành viên UNESCO đối với Hội nghị MONDIACULT 2025 diễn ra từ ngày 29/9-01/10 sắp tới tại Barcelona, cũng như hướng tới việc định vị văn hóa là một mục tiêu độc lập trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc sau năm 2030.
Phiên khai mạc cuộc họp tham vấn khu vực châu Á-Thái Bình Dương có sự tham dự của ông Ernesto Ottone-Ramirez, Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách văn hóa của UNESCO, ông Gajendra Singh Shkhawat, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Ấn Độ (quốc gia thành viên đồng chủ trì cuộc họp với UNESCO), một số Bộ trưởng và quan chức cấp cao đại diện cho các cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế về văn hóa đến từ các nước thành viên UNESCO tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chương trình làm việc ngày 05/02 gồm hai phiên chính. Phiên một có tiêu đề “Quyền văn hóa, công nghệ số trong lĩnh vực văn hóa, văn hóa và giáo dục” tập trung thảo luận về những tiến triển, thách thức, khó khăn, các bài học kinh nghiệm, các mối quan tâm và thực tiễn tiêu biểu mà các nước thành viên đã triển khai kể từ sau Hội nghị MONDIACULT 2022. Các đại biểu dự họp đều thống nhất tầm quan trọng của việc công nhận và thúc đẩy các quyền về văn hóa như một cột mốc mang tính bước ngoặt của chính sách văn hóa, đồng thời đánh giá vai trò, tác động của công nghệ số đến ngành văn hóa thông qua những cơ hội và thách thức nó đem lại, và làm rõ ý nghĩa của văn hóa trong giáo dục, đặc biệt sau khi UNESCO thông qua Khung làm việc về Giáo dục Văn hóa và Nghệ thuật vào năm 2024.
Cũng tại phiên một, TS. Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế đã phát biểu về tình hình triển khai Tuyên bố MONDIACULT 2022 tại Việt Nam. Bà Nguyễn Phương Hòa nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, vừa là mục tiêu vừa là động lực để thúc đẩy sự phát triển của đất nước, đồng thời giữ vai trò ngang bằng với chính trị, kinh tế và xã hội. Hướng tới những mục tiêu trên, trong thời gian qua Việt Nam đã không ngừng nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu trên ba khâu đột phá là xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về văn hóa, tăng cường đầu tư cho văn hóa và tập trung phát triển nguồn nhân lực. Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế chia sẻ một số điểm sáng của văn hóa Việt Nam kể từ sau Hội nghị MONDIACULT 2022 như: Luật Điện ảnh mới chính thức đi vào hiệu lực; Luật Di sản văn hóa 2024 được thông qua; Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035 với tổng số vốn đầu tư lên tới 122.250 tỷ đồng (tương đương gần 5 tỷ đô la Mỹ), trong đó đặt ra một loạt mục tiêu toàn diện, cụ thể cho văn hóa Việt Nam trong 10 năm tới… Liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-Tg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Dự kiến trong năm 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ sớm trình Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 – tạo động lực mới thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển. Bà Nguyễn Phương Hòa cũng bày tỏ, Việt Nam mong muốn được chia sẻ và học tập kinh nghiệm của các quốc gia thành viên UNESCO trong thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển văn hóa số, nhằm tăng cường bảo hộ trí tuệ, đảm bảo thu nhập cho các nhà sáng tạo nội dung trong môi trường số và mở rộng cơ hội tiếp cận cho người dân đối với văn hóa số…
Kết thúc bài phát biểu, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa khẳng định, Việt Nam ủng hộ đưa văn hóa trở thành một mục tiêu riêng trong Chương trình nghị sự sau năm 2030 của Liên Hợp Quốc, đồng thời tin tưởng, MONDIACULT 2025 sẽ là một nền tảng quan trọng để các quốc gia thành viên cùng sát cánh hướng tới mục tiêu vì một nền văn hóa phát triển cho tương lai.
Cuộc họp tham vấn tiếp tục diễn ra cho đến hết ngày 06/02 với các phiên tiếp theo gồm: Phiên 2 “Kinh tế văn hóa, văn hóa và hành động đối phó biến đổi khí hậu, văn hóa, di sản và khủng hoảng; phiên 3 “Các lĩnh vực khẩn cấp liên quan đến văn hóa”; và phiên 4 “Văn hóa – mục tiêu riêng trong Chương trình nghị sự sau năm năm 2030 của Liên Hợp Quốc”.
Lan Phương