Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á

Chiều ngày 14 tháng 3 năm 2023, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và Văn phòng UNESCO Hà Nội, với sự hỗ trợ của Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức Hội thảo Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á. 

Toàn cảnh Hội thảo Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á

Tham dự Hội thảo về phía Việt Nam có Ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam; Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế; Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả; Bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh; và đại diện các cơ quan liên quan. Về phía quốc tế có sự tham dự của Ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam; Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; đại diện các trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam và các diễn giả quốc tế đến từ Đan Mạch, Vương quốc Anh, Indonesia, Thái Lan. Hội thảo cũng thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà sản xuất, nhà làm phim, đạo diễn, diễn viên, doanh nghiệp điện ảnh, các cơ quan thông tấn báo chí và những người yêu nghệ thuật điện ảnh. 

TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu Khai mạc, bà Ngô Phương Lan cho biết Hội thảo Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á có ý nghĩa quan trọng khi được tổ chức vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1973-15/3/2023). Trải qua nhiều thập kỷ, điện ảnh của Việt Nam từ khái niệm “nền điện ảnh chiến tranh” nay được xác định là ngành mũi nhọn trong quá trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Bà Ngô Phương Lan chia sẻ Luật Điện ảnh được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2022 và có hiệu lực từ tháng 01/2023 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh. Việc hiện thực hóa Luật trong đời sống đòi hỏi những cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp từ Nhà nước để phát huy năng lực sáng tạo của nhà làm phim, thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh, khuyến khích hợp tác công tư trong sản xuất, phát hành, phổ biến phim để phát triển thị trường điện ảnh Việt Nam và xây dựng nền công nghiệp điện ảnh dần lớn mạnh. 

Ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Về phần mình, Ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam khẳng định văn hóa và nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch trong nhiều năm qua, đặc biệt là tầm nhìn chung của hai nước trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của đất nước. Đan Mạch luôn ưu tiên các nguồn lực để hỗ trợ và tham vấn Việt Nam thông qua nền tảng đối thoại chính sách ở đa dạng lĩnh vực. Đại sứ chúc mừng Luật Điện ảnh mới của Việt Nam đã được thông qua và mong rằng Luật này sẽ giải quyết những vấn đề gây trở ngại cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong nhiều năm qua, tạo điều kiện tham gia cho các nhánh tư nhân và thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam với các nước trên thế giới. 

Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh ngành công nghiệp điện ảnh của Việt Nam đại diện cho ngành công nghiệp phát triển mang tính chiến lược với sự đa dạng về hiệp hội và mạng lưới, địa điểm quay phim hấp dẫn và các nghệ sỹ tài năng trong đó có các nữ chuyên gia điện ảnh sáng tạo. Ông đánh giá cao Việt Nam trong việc đặt văn hóa, sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển bền vững và khẳng định UNESCO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc lồng ghép các chính sách văn hóa vào sự phát triển bền vững. Ông Christian Manhart cũng chia sẻ về dự án của UNESCO “Huy động các chuyên gia điện ảnh nhằm tăng cường hợp tác khu vực tại Châu Á” với sự tài trợ của Quỹ Nhật Bản được triển khai tại 3 quốc gia Indonesia, Thái Lan và Việt Nam và bày tỏ sự tin tưởng rằng dự án hợp tác này sẽ giúp tăng cường các khuôn khổ pháp lý và khuyến khích các đối tác quốc tế hợp tác với các nhà làm phim và chuyên gia Việt Nam, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực điện ảnh.

Hội thảo gồm 3 phiên thảo luận: (1) Chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất phim; (2) Chính sách hợp tác quốc tế trong quảng bá và hợp tác sản xuất phim; (3) Khuyến nghị về chính sách, biện pháp thúc đẩy sáng tạo và phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia.

Phiên 1: Chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất phim Điều phối viên: Bà Phan Cẩm Tú – Tư vấn của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ tại Việt Nam

Tại phiên thảo luận thứ nhất dưới dự điều phối của bà Phan Cẩm Tú, Tư vấn của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ tại Việt Nam, các chuyên gia đã chia sẻ về chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất phim, trong đó tập trung vào các chính sách của Nhà nước về tài trợ sản xuất phim. Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cho biết trước đây nhà nước đã có chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất phim trong đó trích ngân sách để tài trợ cho các phim đặt hàng trong nước. Việc huy động được khoản tài trợ này đòi hỏi các tiêu chí, bao gồm: kịch bản phim sáng tạo, chuyên nghiệp, nội dung phim được xã hội quan tâm, đội ngũ quay phim, đạo diễn, diễn viên nhiều triển vọng. Tuy nhiên ngân sách nhà nước dành cho việc sản xuất phim vẫn còn hạn chế, khâu phát hành chưa được quan tâm, theo đó nhiều phim có giá trị nghệ thuật chưa được phổ biến đến công chúng. Liên quan đến chính sách mới để hỗ trợ sản xuất phim bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết Luật Điện ảnh của Việt Nam từ năm 2006 đến năm 2022 đã đề cập chính sách về việc huy động nguồn lực xã hội để sản xuất phim và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực điện ảnh. Bà cũng cho biết hiện nay tại Việt Nam, các Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh có khoa đào tạo và hợp tác, liên kết với trường Đại học nước ngoài để cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn, trao đổi sinh viên để nâng cao năng lực của sinh viên trong lĩnh vực điện ảnh. Về phía quốc tế, chuyên gia Jacob Neiiendam, Trưởng phòng quốc tế tại Viện phim Đan Mạch (DFI) cho biết tại Đan Mạch đã có chính sách về tài trợ sản xuất phim, giáo dục qua điện ảnh và công nghiệp điện ảnh,… Khoản tài trợ được phân bổ dựa trên quy mô, cấp độ, mục đích phim, đảm bảo sự tự do nghệ thuật, tạo mạng lưới và hỗ trợ phát hành phim ra thị trường và trên các diễn đàn quốc tế. 

Phiên 2: Chính sách hợp tác quốc tế trong quảng bá và hợp tác sản xuất phim Điều phối viên: Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế

Tại phiên thảo luận thứ 2 do bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế điều phối, các diễn giả tập trung thảo luận các chính sách hợp tác quốc tế trong quảng bá và hợp tác sản xuất phim, cụ thể là chính sách ưu đãi khi hợp tác, cung cấp dịch vụ sản xuất phim với đối tác nước ngoài, thu hút đối tác quốc tế đầu tư vào các hãng phim chất lượng cao tại Việt Nam và tổ chức Liên hoan phim, Giải thưởng điện ảnh.  Ông Kissada Kamyoung, nhà sản xuất phim của Thái Lan đã chia sẻ về những thách thức trong hệ thống sinh thái điện ảnh tại Thái Lan trong việc tìm kiếm nguồn tài chính và hỗ trợ, thủ tục hành chính và hệ thống quảng bá, đồng thời thông tin về các chính sách giảm thuế đối với các đoàn làm phim quốc tế khi làm việc tại Thái Lan. Tiếp nối vấn đề này, bà Vivian Idris, Phó Chủ tịch Hội đồng điện ảnh Indonesia cho biết tại Indonesia có các chương trình hỗ trợ các nhà làm phim tham gia vào các Liên hoan phim và sự kiện điện ảnh quốc tế, chính phủ Indonesia cũng hỗ trợ ngành công nghiệp điện ảnh thông qua các hiệp ước quốc tế về sản xuất  phim, đồng thời Hội đồng phim Indonesia cũng hợp tác chặt chẽ với các đối tác điện ảnh tư nhân trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản để thực hiện đồng sản xuất các dự án phim và liên hoan phim trong nước. Về phía Việt Nam, bên cạnh việc tích cực tham gia các Liên hoan phim quốc tế, đạo diễn, nhà sản xuất Phan Đăng Di đề xuất Việt Nam cần có những gian hàng điện ảnh quốc gia tại các sự kiện điện ảnh quốc tế để quảng bá và thu hút sự đầu tư, hợp tác của các đối tác nước ngoài.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội thảo

Trao đổi với các đại biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ trên cương vị là những người quản lý nhà nước, hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan đã và đang phối hợp chặt chẽ để tìm các giải pháp thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh. Về mặt pháp lý, Thứ trưởng cho biết Luật Điện ảnh năm 2022 được thông qua đã có nhiều điểm mới và tiên tiến so với Luật Điện ảnh cũ và các luật Điện ảnh trong khu vực. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác công tư trong lĩnh vực điện ảnh nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm phát triển cơ sở vật chất, quảng bá thương hiệu điện ảnh của Việt Nam thông qua các gian hàng hay việc đưa các đoàn sản xuất phim, diễn viên tham gia các Liên hoan phim lớn trong khu vực và trên thế giới. Thứ trưởng cũng chia sẻ một số địa phương của Việt Nam như TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa có tiềm năng phát triển công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển du lịch, phát triển kinh tế xã hội, dựa trên đặc thù và lợi thế của mỗi địa phương về cơ sở vật chất, địa lý, danh lam thắng cảnh. Theo đó, mỗi địa phương cần có những chính sách riêng nhằm thu hút các đoàn làm phim quốc tế và sự đầu tư củacác đối tác nước ngoài vào các dự án điện ảnh của Việt Nam. 

Phiên 3: Khuyến nghị về chính sách, biện pháp thúc đẩy sáng tạo và phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia - Điều phối viên: Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc

Phiên 3 của Hội thảo với sự điều phối của Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc tập trung thảo luận Khuyến nghị về chính sách, biện pháp thúc đẩy sáng tạo và phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia. Ông David Wilson, Chuyên gia cố vấn của Ủy ban Vương quốc Anh về UNESCO chia sẻ về một số chính sách và biện pháp quảng bá điện ảnh Vương quốc Anh ra thế giới trong đó có sự hỗ trợ từ Ủy ban Điện ảnh Vương quốc Anh, Viện phim Vương quốc Anh, việc quảng bá phim trên các nền tảng điện tử như Netflix, Amazon; sự hỗ trợ của Chính phủ đối với việc đào tạo và nuôi dưỡng tài năng điện ảnh thông qua Quỹ điện ảnh toàn cầu Vương Quốc Anh, Mạng lưới văn phòng điện ảnh trong nước,… đồng thời đưa ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam trong đó có tăng cường triển khai Chiến lược phát triển Công nghiệp văn hóa, thúc đẩy đầu tư vào đào tạo và nâng cao năng lực cho các đoàn phim trong nước, đảm bảo sản xuất bền vững,… Cũng tại phiên thảo luận này, bà Đào Lê Na, giảng viên Đại học Fullbright đã chia sẻ về một số mô hình Quỹ Điện ảnh của một số nước trên thế giới và đưa ra những khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc xây dựng và phát huy nguồn Quỹ này. 

Trước thềm Hội thảo, ngày 13/3/2023, đoàn chuyên gia quốc tế Indonesia và Thái Lan cũng đã có chuyến thăm và làm việc, khảo sát thực địa tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, tham quan trường quay để tìm hiểu thêm về mô hình đào tạo tài năng điện ảnh, chương trình giáo dục lĩnh vực sân khấu điện ảnh tại Việt Nam; làm việc với Công ty TNHH BHD tại hệ thống rạp chiếu phim BHD để biết thêm thông tin về thị trường phim và hệ thống quảng bá phát hành phim tại Việt Nam. 

Sáng ngày 13/3, đoàn chuyên gia điện ảnh Đông Nam Á, đại diện Văn phòng Unesco Hà Nội và đại diện Cục Hợp tác quốc tế đã có buổi làm việc với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh

Đoàn chuyên gia đã có buổi tham quan tổ hợp chiếu phim BHD tại trung tâm thương mại Vincom Phạm Ngọc Thạch và tìm hiểu về hoạt động phân phối phim tại Việt Nam.​

Sáng ngày 14/3/2023, đoàn chuyên gia đã tham dự Phiên Đối thoại và chia sẻ về chính sách trong ngành công nghiệp điện ảnh tại Đông Nam Á tại trụ sở Văn phòng UNESCO Hà Nội với sự điều hành của bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL và bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa Văn phòng UNESCO Hà Nội. Tại đây, các chuyên gia đã trình bày kết quả nghiên cứu Dự án Thúc đẩy Kết nối và Thiết kế Môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim do UNESCO tài trợ tại 3 nước Việt Nam, Thái Lan, Indonesia; trao đổi về các thách thức và bài học kinh nghiệm trong việc phát triển khung pháp lý nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh tại mỗi nước; và thảo luận về nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp điện ảnh và sáng tạo nội dung tại mỗi nước cũng như tìm kiếm khả năng hợp tác trong tương lai. 

Phiên đối thoại được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của Trưởng đại diện Unesco tại Hà Nội, đại diện một số cơ quan, ban ngành, tổ chức nghề nghiệp, các chuyên gia điện ảnh Đông Nam Á, đại diện các văn phòng Unesco Thái Lan, Indonesia...

Nguyễn Oanh- Nguồn ảnh: Ban Tổ chức Hội thảo


share on facebook

Cục Hợp tác quốc tế

Cơ quan của bộ văn hóa thể thao và du lịch

Bản quyền Website thuộc Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch)
Chịu trách nhiệm: Bà Nguyễn Phương Hoà  – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế

Địa chỉ: 51 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024-39434217    Fax: 024-39437101

Ghi rõ nguồn Website http://icd.gov.vn khi phát hành lại từ trang web này

Bếp Hoàng Cương địa điểm đáng tin cậy nhất để mua các dòng bếp từ nhập khẩu, máy hút mùi, máy lọc nước, lò nướng với giá tốt nhất tại https://bephoangcuong.vn đến với bếp Hoàng Cương bạn sẽ được đảm bảo về chất lượng cũng như giá cả