Sáng ngày 22/12, lần đầu tiên một Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Hội nghị có sự tham dự và điều hành của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan; lãnh đạo các hội, hiệp hội, tổ chức; đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp văn hóa; cùng các chuyên gia, nghệ sĩ hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa.
Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Thủ tướng chỉ ra: Nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hoá để thu về những nguồn lợi kinh tế. Trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hoá.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiểu chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết số 33-NQ/TW, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: "Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hoá trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam”. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 6 nhiệm vụ lớn, trong đó: “khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”.
Báo cáo tóm tắt tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, công tác phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại nước ta đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP. Sau 3 năm triển khai Chiến lược, năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP, năm 2019 ước đạt 6,02%. Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD). Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm.
"So sánh số liệu thống kê sau 7 năm của chúng ta với tình hình chung trong khu vực và trên thế giới, có thể thấy, Việt Nam đang là quốc gia trung bình về phát triển công nghiệp văn hóa và còn nhiều dư địa phát triển" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.
Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
Về đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa trong công tác quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh việc Hà Nội, Đà Lạt, Hội An là ba thành phố của Việt Nam đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Ngay sau khi Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam nằm trong hệ thống các thành phố sáng tạo UNESCO được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 2/2023, với vai trò là đầu mối triển khai, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) đã chủ động, tích cực phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia và chính quyền các địa phương để thực hiện Đề án. Ngày 31/10/2023, lần đầu tiên Việt Nam có hai thành phố cùng lúc chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN) là Đà Lạt (Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc) và Hội An (Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực Thủ công và nghệ thuật dân gian). Như vậy, cùng với Hà Nội được công nhận là Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực thiết kế năm 2019, Mạng lưới các thành phố sáng tạo Việt Nam là thành viên của UCCN đang dần được hình thành, khẳng định vai trò, sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo Việt Nam vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. |
Năm 2023 cũng đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam cùng lúc đảm nhận vai trò tại 4 cơ chế then chốt của UNESCO (thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO, Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể); và mới đây nhất, Việt Nam đã được bầu vào Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 – 2027 với số phiếu rất cao. Trong vai trò cơ quan đầu mối quốc gia của Công ước 2005, đồng thời là thường trực Tiểu ban Văn hóa - Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) luôn chủ động tham gia, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực triển khai các cam kết, tổ chức các hoạt động của Việt Nam tại các Công ước của UNESCO.
Các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế do Bộ VHTTDL chủ trì được tổ chức thường niên cũng góp phần gắn kết các lĩnh vực xã hội – kinh tế với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đất nước như các lễ hội du lịch, văn hóa Việt Nam hàng năm tại Hàn Quốc, Nhật Bản; các hoạt động văn hóa đối ngoại nhân kỷ niệm năm tròn năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và một số nước (riêng năm 2023, Bộ VHTTDL đã trực tiếp chủ trì bốn tuần/ngày văn hóa, du lịch Việt Nam tại nước ngoài gồm Tuần văn hóa du lịch Việt Nam tại Pháp nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp, Ngày Văn hóa Việt Nam tại UAE nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – UAE, Những ngày văn hóa Việt Nam Singapore nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Singapore, Lễ hội xúc tiến du lịch văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản).
Sự hiện diện của văn hóa Việt Nam tại các sự kiện quốc tế lớn cũng nhận được sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế. Tại Triển lãm thế giới EXPO 2020 Dubai (diễn ra từ ngày 01/10/2021 đến ngày 31/3/2022), Nhà Triển lãm Việt Nam do Cục Hợp tác quốc tế chủ trì và vận hành đã thu hút hơn 700.000 lượt khách tham quan, tiếp đón nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cấp cao các nước và tổ chức quốc tế. và được Tổ chức Triển lãm Quốc tế (BIE) trao “Giải đồng cho Nhà Triển lãm thuê có diễn giải chủ đề tốt nhất”.
Năm 2023, Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới sau các năm 2019, 2020, 2022. Điều đó cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu và sức hấp dẫn của du lịch văn hóa - một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa đối với cộng đồng quốc tế.
Cũng trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã ký kết nhiều bản ghi nhớ, chương trình, đề án về kết nối, giao lưu, hợp tác hiệu quả với các đối tác nước ngoài, thu hút sự quan tâm, đầu tư, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các ngành công nghiệp văn hóa nước nhà.
Tháng 8/2023, Cục Hợp tác quốc tế phối hợp với Netflix tổ chức hội thảo “Các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số” với sự tham gia của hàng trăm đại biểu là đại diện các bộ ban ngành, nhiều doanh nghiệp quốc tế và Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo cũng như các nghệ sỹ, người làm nghệ thuật, sáng tạo. Cục cũng tham gia tổ chức, chủ trì, điều phối, trình bày tham luận tại một số hội thảo liên quan đến văn hóa và sáng tạo như diễn đàn “Du lịch và Điện ảnh Việt Nam tại Nha Trang: Cùng liên kết, cùng có lợi”; hội thảo quốc tế “Công nghiệp âm nhạc và những triển vọng tương lai” trong khuôn khổ Liên hoan âm nhạc Gió mùa Monsoon 2023; hội nghị “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO khu vực Đông Nam Á”… |
Lan Phương
Bản quyền Website thuộc Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch)
Chịu trách nhiệm: Bà Nguyễn Phương Hoà – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế
Địa chỉ: 51 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024-39434217 Fax: 024-39437101
Ghi rõ nguồn Website http://icd.gov.vn khi phát hành lại từ trang web này
Bếp Hoàng Cương địa điểm đáng tin cậy nhất để mua các dòng bếp từ nhập khẩu, máy hút mùi, máy lọc nước, lò nướng với giá tốt nhất tại https://bephoangcuong.vn đến với bếp Hoàng Cương bạn sẽ được đảm bảo về chất lượng cũng như giá cả