Hướng tới kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024) và hưởng ứng chuỗi hoạt động trong Tháng Thanh niên, được sự chỉ đạo của Chi ủy, Công đoàn và Chi đoàn Cục Hợp tác quốc tế đã phối hợp tổ chức hoạt động sinh hoạt chính trị “Về nguồn”, thăm Di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến và một số di tích lịch sử, văn hóa tại Mộc Châu, Sơn La. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tham gia tích cực của các cán bộ, công đoàn viên, đoàn viên thanh niên trong toàn Cục. Đây là hoạt động sinh hoạt chính trị có ý nghĩa, góp phần giáo dục về lịch sử, truyền thống của dân tộc, bồi đắp lý tưởng cách mạng, phát huy lòng yêu nước của mỗi cán bộ, công đoàn viên, đoàn viên thanh niên Cục Hợp tác quốc tế.
Bắt đầu hành trình, đoàn Cục Hợp tác quốc tế đến thăm Di tích quốc gia – Địa điểm lưu niệm Trung đoàn Tây Tiến (Trung đoàn 52). Đây là một trong những địa chỉ đỏ tiêu biểu của khu vực Tây Bắc, một dấu tích quan trọng, một địa danh lịch sử của Trung đoàn Tây Tiến tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1945-1954. Đây cũng là nơi các đoàn đại biểu, đoàn thanh niên, học sinh, sinh viên đến để tưởng nhớ, học hỏi về ý chí, tinh thần kiên cường, anh dũng của thế hệ cha anh và hiểu hơn về sự hi sinh cao cả của những người trẻ lúc bấy giờ trên con đường cách mạng.
Tại Nhà truyền thống của Di tích được thiết kế theo mẫu nhà sàn đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc, đoàn đã có dịp được lắng nghe về lịch sử thành lập, những câu chuyện xúc động của Trung đoàn Tây Tiến, tham quan những hình ảnh truyền thống và các kỷ vật quý giá của Trung đoàn và những bức ảnh chân dung của các thế hệ chỉ huy, chiến sĩ. Năm 1947, Trung đoàn Tây Tiến được thành lập, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người khai sinh và đặt tên cho Đoàn quân Tây Tiến. Không gian Nhà truyền thống cũng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật thể hiện sự tài hoa của các chiến sĩ Tây Tiến. Đó là những bài ca đi cùng năm tháng, những tác phẩm mang dấu ấn của thời đại. Những vần thơ hào hùng của đại đội trưởng, nhà thơ Quang Dũng luôn khắc sâu trong ký ức mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên lại vang lên: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/Quân xanh màu lá dữ oai hùm/Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…”. Nhà truyền thống sẽ mãi là nơi lưu giữ lịch sử hào hùng của Trung đoàn 52 Tây Tiến, cũng là nơi “tiếp lửa”, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Thay mặt đoàn Cục Hợp tác quốc tế, Cục trưởng Nguyễn Phương Hòa đã viết sổ lưu niệm tại Nhà truyền thống, trong đó có đoạn: “Tập thể cán bộ Cục Hợp tác quốc tế – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thật vinh dự và tự hào trước trang sử hào hùng và tinh thần quả cảm, hào sảng của Trung đoàn 52 Tây Tiến, nguyện tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp văn hóa đối ngoại, tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, góp phần xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hùng cường”.
Đoàn Cục Hợp tác quốc tế do đồng chí Nguyễn Phương Hòa – Bí thư Chi bộ, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế làm Trưởng đoàn, cùng tập thể công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên của Cục đã thành kính làm lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm để bày tỏ lòng tri ân các anh hùng chiến sĩ bộ đội Tây Tiến. Giây phút thiêng liêng và những giai điệu cách mạng vang lên tạo nên không gian trầm lắng nhưng hào hùng, nhắc nhở mỗi cá nhân tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức, chính trị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ văn hóa đối ngoại được giao để góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Cũng tại khu Di tích, đoàn Cục Hợp tác quốc tế tiếp tục di chuyển sang tham quan Nhà bia ghi danh được thiết kế theo kiến trúc “Khải Hoàn môn”, đây là biểu tượng cho những chiến công cũng như những ước vọng về ngày chiến thắng của đoàn quân Tây Tiến, trên đó có trích thư của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp gửi các chiến sỹ bộ đội Tây Tiến.
Nhân dịp này, đoàn cũng thăm di tích lịch sử-văn hóa Chùa Chiền Viện (Chùa Vặt Hồng) tại Bản Vặt, xã Mường Sang để tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương. Cùng với một số công trình kiến trúc Phật Giáo còn lại trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, Chùa Chiền Viện là một minh chứng cho một thời kì phát triển hưng thịnh của văn hóa Phật giáo khu vực châu Á và Đông Nam Á. Hàng năm, chùa Chiền Viện mở hội 2 lần vào tháng 3-4 với lễ cúng “xin nước, cầu mưa” và vào tháng 5-6 với lễ “Rửa Tượng, Tắm Tượng”, các lễ hội này đều gắn liền với tín ngưỡng cầu mưa, một nét văn hóa đặc trưng của cư dân nông nghiệp lúa nước. Trong chuỗi hoạt động của chương trình, đoàn Cục Hợp tác quốc tế đã tham gia khảo sát mô hình du lịch cộng đồng, kết hợp sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp; thăm Bảo tàng văn hóa các dân tộc và Phim trường Phố đi bộ Mộc Châu.
Kết thúc chương trình sinh hoạt chính trị tại các di tích lịch sử, văn hóa tại thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La, trở về với Hà Nội, trong lòng mỗi cán bộ, công đoàn viên, đoàn viên thanh niên Cục Hợp tác quốc tế đều đọng lại cảm xúc bồi hồi về sự hy sinh lớn lao của các thế hệ cha anh đi trước và cảm thấy tràn đầy năng lượng để tiếp tục cống hiến, phát huy sức sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển của ngành văn hóa, thể thao và du lịch và sự phát triển bền vững của đất nước./.