Ngày 4/6, tại Hà Nội, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức Hội thảo tham vấn các bên liên quan về Báo cáo quốc gia Việt Nam thực hiện Công ước 2005 của UNESCO giai đoạn 2020-2023.
Tham dự Hội thảo về phía quốc tế có ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; ông Marco Della Seta, Đại sứ Italia tại Việt Nam; ông Piere du Ville, Trưởng Đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) tại Việt Nam cùng đại diện Đại sứ quán Pháp, Đại sứ quán Ấn Độ, một số trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam. Về phía Việt Nam có TS. Nguyễn Phương Hòa – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; đại diện Sở VHTT/VHTTDL một số địa phương; các thiết chế văn hóa, hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo và đông đảo chuyên gia, nghệ sĩ, người thực hành nghệ thuật…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế đã điểm lại những điểm nhấn nổi bật của văn hóa và công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn 2020-2023. Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11/2021 do TBT Nguyễn Phú Trọng chủ trì, Hội thảo thể chế, chính sách và các nguồn lực cho phát triển văn hóa năm 2022 do Quốc hội chủ trì, Hội nghị toàn quốc kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam cho đến Hội nghị toàn quốc lần đầu tiên về công nghiệp văn hóa năm 2023 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì…, tất cả đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội.
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/11/2021 đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể cho văn hóa Việt Nam, trong đó phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm. “Đây là một con số rất ấn tượng và khiến bạn bè quốc tế phải thán phục mỗi khi tôi chia sẻ thông tin tại các sự kiện về chính sách văn hóa trên thế giới”, TS. Nguyễn Phương Hòa cho biết.
Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại Công ước 2005, đặc biệt tại Ủy ban liên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025. “Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn này đang tạo ra một môi trường chính sách và khung pháp lý thuận lợi để thúc đẩy Công ước cũng như ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo của đất nước”. Ông Jonathan Baker cũng đồng tình với một nhận định được đề cập trong Dự thảo báo cáo quốc gia, đó là ở cấp độ địa phương, các tỉnh thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh đều đã xây dựng và triển khai các chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của riêng mình. Giai đoạn 2020-2023 cũng chứng kiến hai thành phố Đà Lạt và Hội An của Việt Nam chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Các thành tựu về văn hóa, sáng tạo trong bốn năm qua là minh chứng cho thấy sự tích cực, chủ động của chính quyền Việt Nam, cả ở cấp trung ương và địa phương, cùng với người dân trong việc phấn đấu đưa văn hóa trở thành một động lực đóng góp vào phát triển bền vững quốc gia.
Tại Hội thảo tham vấn ngày hôm nay, Tổ Biên soạn Báo cáo quốc gia với nòng cốt là các chuyên gia của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia đã trình bày những nội dung chính của Dự thảo báo cáo, tập trung vào các biện pháp và chính sách của Việt Nam trong bốn năm qua để hiện thực hóa 04 mục tiêu của Công ước 2005 gắn với các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp quốc, bao gồm: (1) hỗ trợ các hệ thống quản lý văn hóa bền vững; (2) dòng chảy cân bằng cho hàng hóa và dịch vụ văn hóa và gia tăng sự di chuyển của các nghệ sỹ và các chuyên gia văn hóa; (3) tích hợp văn hóa vào khuôn khổ phát triển bền vững; (4) thúc đẩy quyền con người và các quyền tự do cơ bản.
Nội dung Dự thảo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu có mặt tại Hội thảo. Nhiều ý kiến góp ý có giá trị đã được nêu ra, không chỉ đóng góp vào việc hoàn thiện Dự thảo Báo cáo mà còn mang tính đề xuất, gợi ý các giải pháp, chính sách, sáng kiến để nâng cao hiệu quả thực hiện Công ước 2005, cũng như phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Chị Phương Vũ từ Vietnam Youth Music Institute (VYMI) bày tỏ mong muốn được đóng góp cho sự phát triển chung của văn hóa Việt Nam, đồng thời thông qua các dự án của VYMI góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG). Đại diện VYMI đề nghị, Bộ VHTTDL, UNESCO và các bên liên quan xem xét xây dựng một bộ hướng dẫn cụ thể cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp triển khai các SDG liên quan đến văn hóa và sáng tạo.
Liên quan đến mục tiêu hỗ trợ di chuyển của người nghệ sỹ, bà Trương Uyên Ly, Giám đốc Hanoi Grapevine cho biết, do phần lớn đều nằm trong đối tượng lao động không chính thức nên các nghệ sỹ thường gặp nhiều khó khăn liên quan đến xin visa mỗi khi có dự án ở nước ngoài. Bà Trương Uyên Ly chia sẻ Hanoi Grapevine đang “ấp ủ” dự án xây dựng các hướng dẫn cụ thể, giúp đỡ nghệ sỹ có thể di chuyển quốc tế thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam đánh giá cao những điểm mới trong Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 liên quan đến quản lý phổ biến phim trên không gian mạng, phân loại độ tuổi và hiện thị mức phân loại phim… Cũng theo ông Nguyễn Văn Tân, các tổ chức xã hội nghề nghiệp đang thể hiện vai trò ngày càng rõ nét hơn, tham gia phối hợp hiệu quả với khối cơ quan nhà nước, doanh nghiệp… trong nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Hội Điện ảnh trong thời gian qua đã có hiều hoạt động hỗ trợ phát huy tiềm năng sáng tạo của nghệ sỹ; bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà làm phim, nghệ sỹ khi tác nghiệp; thúc đẩy giao lưu hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh…
Trao đổi về hoạt động bản quyền trong môi trường số, ông Bùi Nguyên Hùng, Chủ tịch Hiệp hội sáng tạo và bản quyền tác giả cho biết, đây là một trong những lĩnh vực khó khăn nhất. Trong thời gian qua, Hiệp hội sáng tạo và bản quyền tác giả đã tiến hành tham vấn, hỗ trợ một số đơn vị nghệ thuật của Bộ VHTTDL ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cũng như lưu giữ các tài sản sáng tạo của mình. Ông Bùi Nguyên Hùng chỉa sẻ, việc khai thác khía cạnh kinh tế của các sản phẩm văn hóa đang ngày càng được coi trọng hơn và là một trong những lĩnh vực hoạt động chính của Hiệp hội. Ông cũng mong muốn, để giảm gánh nặng cho Nhà nước, các hiệp hội, tổ chức nên phối hợp với nhau đề cùng hỗ trợ hiệu quả cho các nghệ sỹ, người hoạt động văn hóa trước những thách thức không ngừng gia tăng liên quan đến bản quyền tác giả và các quyền liên quan.
Ông Pierre Du Ville, Trưởng phái đoàn Wallonie Bruxelles (Bỉ) tại Việt Nam nhấn mạnh, các mục tiêu phát triển bền vững luôn là mục tiêu chung của các quốc gia. Hợp tác văn hóa, nghệ thuật sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các SDGs. Ông Pierre Du Ville cũng cho biết văn hóa là một trong những lĩnh vực đầu tiên phái đoàn Wallonie Bruxelles lên kế hoạch hợp tác trong giai đoạn 2025-2027.
PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, Tổ trưởng Tổ Biên soạn Báo cáo quốc gia bày tỏ sự vui mừng trước sự quan tâm ngày tăng dành cho văn hóa nói chung và văn hóa sáng tạo nói riêng. Nếu trước đây, sự trao đổi giữa các bên còn hạn chế, thì trong giai đoạn 4 năm vừa qua cho đến thời điểm hiện tại, có thể thấy một cơ chế đối thoại giữa cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, cá nhân người làm văn hóa nghệ thuật đang ngày một định hình rõ hơn, góp phần không nhỏ vào việc tìm kiếm các biện pháp khả thi hướng tới nâng cao sự hiện diện của văn hóa, thúc đẩy sự phát huy các biểu đạt của văn hóa, tăng cường giao lưu giữa nghệ sỹ Việt Nam và thế giới, giới thiệu hiệu quả văn hóa Việt Nam ra nước ngoài…
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Phương Hòa đánh giá cao những ý kiến góp ý đến từ đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo, trung tâm văn hóa nước ngoài… Bà gửi lời cảm ơn và tin rằng, với sự ủng hộ nhiệt thành như hiện tại, văn hóa sáng tạo Việt Nam sẽ ngày càng phát triển bền vững và Báo cáo quốc gia Việt Nam thực hiện Công ước 2005 giai đoạn 2020-2023 sẽ sớm được hoàn thiện, góp phần giới thiệu về những thành tựu của Việt Nam trong phát triển công nghiệp văn hóa, đồng thời là một điểm nhấn hướng tới các hoạt động kỷ niệm 20 năm Công ước 2005 ra đời được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2025.