Hôm nay, tại Hà Nội, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp tổ chức Lễ Công bố Báo cáo Toàn cầu của UNESCO năm 2018 “Tái Định hình các Chính sách Văn hóa: Thúc đẩy sáng tạo vì sự phát triển”.
Tham dự sự kiện có đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Bộ Thông tin-Truyền thông, các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam, các trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các cơ quan nghiên cứu như Viện Văn hóa Nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa, Học viện Báo chí và Truyền thông…, các không gian sáng tạo, các nghệ sĩ độc lập và các cơ quan thông tấn báo chí tại Hà Nội.
Báo cáo Toàn cầu của UNESCO là công cụ giám sát việc thực hiện Công ước 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Đây là báo cáo lần thứ hai, ghi nhận các kết quả đã đạt được trong việc thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, chia sẻ các bài học kinh nghiệm và các thực hành tốt của các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, cũng như phân tích các khó khăn, thách thức vẫn còn tồn tại kể từ khi báo cáo lần thứ nhất được công bố vào năm 2015.
Các Báo cáo Toàn cầu của UNESCO về quá trình thực thi Công ước 2005 được hoàn thiện dựa trên nhiều nguồn tư liệu, trong đó đặc biệt quan trọng là Báo cáo định kỳ bốn năm một lần từ các Quốc gia Thành viên, trong đó có Việt Nam. Đây là một phần hoạt động nằm trong dự án Thúc đẩy sự tự do thông qua phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa do Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển tài trợ.
Tại Lễ công bố Báo cáo Toàn cầu, bên cạnh phần giới thiệu của Bà Phạm Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội về quá trình thực hiện Báo cáo toàn cầu và các kết quả chính, Ông Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đã trình bày về nội dung và quá trình thực hiện báo cáo định kỳ tại Việt Nam; Bà Nguyễn Phương Hòa, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan đầu mối triển khai Công ước 2005 tại Việt Nam đã trình bày tổng thể về Công ước 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa và sự tham gia của Việt Nam tại Công ước này.
Phát biểu khai mạc, Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh chủ trương hội nhập quốc tế của Việt Nam trong việc tích cực và nghiêm túc thực hiện Công ước. Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng Việt Nam đã đạt được những thành công quan trọng, trong đó có việc thông qua “Chiến lược Phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” vào tháng 9 năm 2016. Ông bày tỏ hy vọng các phân tích trong Báo cáo Toàn cầu sẽ tạo cho Việt Nam cơ hội để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và hướng tới tầm nhìn xa hơn cho các ngành công nghiệp văn hóa vốn rất giàu tiềm năng. Nhân dịp này, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg đã phát biểu đánh giá cao tầm quan trọng của Công ước 2005 đã cung cấp những kiến thức hết sức quan trọng cho các quốc gia để phát triển văn hóa
Trên thực tế, Việt Nam đã phê duyệt Công ước 2005 về Bảo vệ và Phát huy sự Đa dạng của các Biểu đạt Văn hóa từ năm 2007, hai năm sau khi Công ước ra đời. Năm 2015, Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia đầu tiên hoàn thành Báo cáo định kỳ giai đoạn 2012-2015 theo yêu cầu của Công ước.