Vào hồi 9h47′ ngày 04/12/2024 (theo giờ địa phương), tại Kỳ họp lần thứ 19 của Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Trung tâm hội nghị Conmebol, thủ đô Asunción, Cộng hòa Paraguay, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội truyền thống được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ tại Châu Đốc, An Giang. Lễ hội mang đậm văn hóa của cư dân vùng Tây Nam bộ, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Khmer, Chăm. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là sự kế thừa, tiếp thu, tích hợp và sáng tạo của cư dân Việt trong quá trình khẩn hoang và là sự tổng hòa của tín ngưỡng thờ Mẫu của các dân tộc Việt, Chăm, Khmer và Hoa.
Lễ hội nhằm tôn vinh Nữ thần bảo trợ, ban tài, lộc, sức khỏe, bình an cho người dân địa phương, đồng thời là môi trường giáo dục truyền thống đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở công lao dựng nước, giữ nước của cha ông, đề cao vai trò của người phụ nữ và thể hiện sự giao thoa trong sáng tạo, thực hành văn hóa và sự hòa hợp của các dân tộc. Năm 2014, Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Diễn ra từ ngày 22-27/4 (âm lịch) hằng năm, Lễ hội được thực hiện theo nghi thức truyền thống, gồm: Lễ khai hội, lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ Tắm Bà, lễ Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc.
Đánh giá về di sản này, Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 ghi nhận Việt Nam đã chuẩn bị rất tốt hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, cũng như các hồ sơ của Việt Nam từ trước tới nay, đồng thời, đánh giá cao những kinh nghiệm và đóng góp của Việt Nam cho Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt trong nhiệm kỳ 2022 – 2026.
Theo đó, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam thúc đẩy giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng và hòa hợp dân tộc, đồng thời là phương tiện để khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong xã hội và những đóng góp của cha ông trong việc xây dựng đất nước. Di sản góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, bình đẳng giới, phát triển kinh tế toàn diện, cũng như thúc đẩy hành động bảo vệ bền vững môi trường và khí hậu, bảo vệ hòa bình và gắn kết xã hội, các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam, thúc đẩy sự tôn trọng văn hóa. Nhà nước Việt Nam đã đề xuất các biện pháp cụ thể gìn giữ, bảo vệ di sản. Hồ sơ đề cử đã thể hiện rõ vai trò của các cơ quan, các nghệ nhân và đại diện cộng đồng để xây dựng hồ sơ đề cử. Đồng thời, Di sản đã được đưa vào Danh mục quốc gia Di sản văn hóa phi vật thể và Danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể của An Giang và của quốc gia. Danh mục kiểm kê được cập nhật hàng năm với sự phối hợp của đại diện cộng đồng và nghệ nhân. Thông tin về quy trình kiểm kê dựa trên cộng đồng được đã đưa vào Báo cáo định kỳ quốc gia của Việt Nam.
Việc Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại tiếp tục khẳng định vai trò, đóng góp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai hiệu quả, tích cực Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, các hoạt động hợp tác đa phương về văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục được đẩy mạnh. Các danh hiệu về văn hóa được UNESCO công nhận đã góp phần nâng cao nhận thức, sự quan tâm của cộng đồng và xã hội về giá trị của di sản; tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản; tạo các sản phẩm văn hóa-du lịch hấp dẫn, việc làm cho hàng vạn lao động; góp phần thu hút đầu tư, thương mại của các địa phương, nâng cao đời sống vật chất của cộng đồng dân cư.
Quốc Anh