Ngày 03/4/2025, Hội thảo quốc tế “Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” xin ý kiến chuyên gia xây dựng Đề án “Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế” đã được tổ chức tại Ngôi nhà Xanh Liên Hợp quốc, Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình, ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Unesco tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa và Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Du lịch và Thể thao Nguyễn Thị Thu Phương. Tham dự Hội thảo có khoảng 90 đại biểu, gồm các Đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, nghệ sĩ, chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện một số địa phương, cùng đại diện các tổ chức truyền thông.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình khẳng định Hội thảo quốc tế “Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” được tổ chức hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Văn hóa đã đồng hành cùng dân tộc, góp phần đưa Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực, có trách nhiệm trong nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Chưa bao giờ đất nước Việt Nam hội nhập sâu rộng, có đóng góp tích cực vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại như hiện nay”.
Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình nhận định Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa trong nước và quốc tế cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất những ý tưởng, giải pháp sáng tạo nhằm khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa, vừa là cầu nối hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế trong bối cảnh hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, vừa là nguồn sức mạnh nội sinh, vô giá cho sự phát triển bền vững của đất nước Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Jonathan Wallace Baker-Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến văn hóa, đưa văn hóa trở thành trung tâm của phát triển, thể hiện qua việc Việt Nam hiện đang đảm nhiệm những vị trí quan trọng nhất trong cơ chế UNESCO như thành viên Hội đồng Chấp hành, Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2005 nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 nhiệm kỳ 2022-2026, Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027…, ban hành chính sách, quy định pháp luật quan trọng tạo điều kiện thúc đẩy, phát huy vai trò của văn hóa như Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030… Nhiều di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận, các thành phố/ địa phương của Việt Nam: Hà Nội, Hội An, Đà Lạt trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO.
Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa đã báo cáo về Đề án “Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế”, khẳng định những thành tựu, kết quả quan trọng của văn hóa Việt Nam trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong quá trình Việt Nam hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, nhấn mạnh yêu cầu về sự cần thiết, cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận xây dựng Đề án, kiến nghị các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ cần thực hiện trong quá trình quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế trong thời gian sắp tới, đề xuất các nhóm giải pháp quan trọng để triển khai thực hiện, bao gồm các nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế, chính sách, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư và huy động nguồn lực, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động và mở rộng hợp tác quốc tế.
Sau báo cáo trung tâm của Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa, Hội thảo chia thành 02 phiên: “Kinh nghiệm quốc tế và gợi mở những giải pháp cho Việt Nam” và “Góp ý, đề xuất nhiệm vụ và giải pháp”. Trong đó, Phiên 1 lắng nghe ý kiến, kinh nghiệm từ các Đại sứ quán, trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam (Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ) trong quá trình tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế về văn hóa nói chung và quốc tế hóa văn hóa trong nước, cũng như nội hóa các giá trị văn hóa quốc tế. Tại Phiên 2, Hội thảo trao đổi những kiến nghị, đề xuất cụ thể của các chuyên gia trong nước để hoàn thiện và làm sâu sắc hơn nữa nội dung của Đề án “Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế”, trong đó tập trung vào những điểm nhấn như hệ giá trị, hệ sinh thái, sáng tạo để xây dựng những sản phẩm, thương hiệu trong các lĩnh vực thế mạnh như điện ảnh, âm nhạc, games, thời trang, tạo dựng thương hiệu quốc gia… Hội thảo đã đề xuất, kiến nghị một số giải pháp để triển khai thực hiện Đề án như: hoàn thiện chính sách về hợp tác công tư, xây dựng cơ chế đặc thù cho các tác phẩm, sản phẩm văn hóa đỉnh cao, áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật, đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo-AI, phát huy vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, một số đại biểu kiến nghị Đề án tập trung vào kể câu chuyện về Việt Nam, qua đó sử dụng văn hóa như một công cụ hữu hiệu để quảng bá, giới thiệu các câu chuyện đặc sắc, hấp dẫn về đất nước, con người Việt Nam, góp phần nâng cao “sức mạnh mềm” quốc gia, đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam.
Một số hình ảnh của Hội thảo
Trịnh Quốc Anh (ảnh: Nam Nguyễn)