Tối ngày 25/3/2025, tại sân khấu bên bờ sông Hương, phía trước Trường Quốc Học, thành phố Huế, Lễ Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia – Huế 2025 với chủ đề “Huế – Kinh đô xưa, vận hội mới” đã diễn ra trọng thể, với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại diện các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán nước ngoài, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Hồ An Phong, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, đại diện lãnh đạo Cục Hợp tác quốc tế, các cơ quan, đơn vị liên quan.
Phát biểu khai mạc buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, qua hơn 20 kỳ tổ chức thành công, luân phiên tại các địa phương trên cả nước, sự kiện Năm Du lịch Quốc gia đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế, tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam “an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển” ra thế giới, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Đặc biệt, sự kiện Năm Du lịch Quốc gia trở lại Huế lần thứ hai trong thời điểm có ý nghĩa quan trọng, khi Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ 01/01/2025. Năm Du lịch quốc gia 2025 diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi tại thành phố Huế và nhiều tỉnh/thành phố trong cả nước, theo hướng “kết hợp sức mạnh, nhân lên lợi thế, khơi nguồn thành công”, trong đó hướng tới tổ chức thiết thực, có sức lan tỏa các sự kiện hưởng ứng như tuần lễ văn hóa – du lịch, lễ hội ẩm thực, các hoạt động nghệ thuật “đa dạng về loại hình – đặc sắc về nội dung”, “chuyển hóa các giá trị tài sản văn hóa, công nghiệp văn hóa thành nguồn lực, động lực cho sự phát triển của du lịch”.
Để hoàn thành mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm 2025, đưa Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chủ động phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các Bộ, ngành, thành phố Huế và các tỉnh/thành phố, cộng đồng doanh nghiệp triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong thời gian tới, trong đó chú trọng: Sớm hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số toàn diện, “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”; phát động Phong trào thi đua “Dịch vụ chuyên nghiệp, phục vụ ân cần, ứng xử văn minh, môi trường xanh sạch”, mang đến “Nụ cười du lịch Việt Nam”; hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối điểm đến, tăng cường xúc tiến quảng bá, thúc đẩy hợp tác du lịch song phương, hợp tác thông qua các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực du lịch…

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính đánh giá cao chương trình Năm Du lịch Quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì được luân phiên tổ chức từ năm 2003, trở thành sự kiện văn hóa, kinh tế, xã hội và du lịch tiêu biểu quy mô quốc gia và tầm quốc tế; là cơ hội quan trọng để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hoá, tài nguyên tự nhiên và sản phẩm du lịch đặc sắc của Việt Nam, thu hút khách du lịch quốc tế. Thông qua sự kiện quan trọng này, với sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước, cùng với quyết tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nỗ lực của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, Du lịch Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị thế là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, không chỉ tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho hàng triệu lao động, giúp nhiều hộ dân ở vùng sâu, vùng xa thoát nghèo, mà còn thúc đẩy hợp tác, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị, gìn giữ hoà bình, giúp những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc được quảng bá, thấm sâu, lan tỏa trong nước và ngoài nước.

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, khi du lịch không chỉ là trải nghiệm, mà còn là cầu nối của tình hữu nghị, động lực quan trọng cho hợp tác và phát triển bền vững, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành, thành phố Huế và các địa phương trên cả nước tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động tiếp tục phối hợp thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, triển khai những giải pháp tổng thể, đồng bộ về quy hoạch, thu hút đầu tư nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt và đẳng cấp gắn kết với các giá trị di sản văn hóa đặc sắc.
Hai là, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để truyền thông, quảng bá hiệu quả du lịch Huế nói riêng và vùng duyên hải miền Trung nói chung, cũng như cả nước; tạo ra không gian mới cho phát triển du lịch, giảm thiểu tác động đến môi trường, nguyên thiên nhiên, cảnh quan và di sản.
Ba là, chú trọng xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững; thúc đẩy chuyển đổi xanh; phát huy mạnh mẽ các giá trị di sản văn hoá để thúc đẩy du lịch, lấy du lịch làm nền tảng để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản của địa phương.
Thứ tư là, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là trang bị kỹ năng nghề, hình thành tư duy làm du lịch chuyên nghiệp.
Năm là, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương, tạo thành chuỗi điểm đến “Hành trình kinh đô cổ”, trong đó Huế phải là động lực, là điểm nhấn thu hút du khách đến.
Sáu là, tập trung phát triển hạ tầng du lịch, cải thiện dịch vụ, bảo đảm môi trường du lịch an toàn; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản để thành phố Huế luôn là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc tế. Quan tâm xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh, thân thiện để “Mỗi người dân Huế thực sự là sứ giả về văn hóa, du lịch”; có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan bởi đó chính là nguồn sống của hôm nay và mai sau./.
Trịnh Quốc Anh (ảnh: Báo Văn hóa)