Chiều ngày 03/01/2025, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Hồ An Phong đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn đại biểu Thái Lan do ông Dusit Manapan, Cố vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, dẫn đầu sang làm việc với Việt Nam về Chương trình du lịch “6 quốc gia, 1 điểm đến”. Tham dự buổi tiếp, về phía Thái Lan có Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Urawadee Sriphiromya, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Du lịch và Thể thao, Bộ Giao thông vận tải. Về phía Việt Nam có bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải.
Phát biểu chào mừng, Thứ trưởng Hồ An Phong bày tỏ vui mừng khi các đại biểu Thái Lan là đoàn khách quốc tế đầu tiên đến làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm mới 2025, hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp trong hợp tác hai nước về các lĩnh vực, trong đó có văn hóa, thể thao và du lịch. Đáp lại tình cảm của phía Việt Nam, ông Dusit Manapan chúc mừng năm mới Thứ trưởng Hồ An Phong cùng các đại biểu, đồng thời bày tỏ cảm ơn sâu sắc vì sự đón tiếp trọng thị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam dành cho đoàn. Trong bầu không khí náo nhiệt của giải đấu bóng đá ASEAN Cup 2024, ông Dusit Manapan chúc mừng Đội tuyển Bóng đá quốc gia Việt Nam với chiến thắng 2-1 trước đội tuyển Thái Lan tại chung kết lượt đi ngày 02/01/2025.
Chia sẻ về mục đích chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này, ông Dusit Manapan thông tin về sáng kiến “6 quốc gia, 1 điểm đến” của Thái Lan nhằm thu hút khách du lịch từ ngoài khu vực, thúc đẩy du lịch nội khối và khuyến khích nhiều điểm dừng chân qua sáu quốc gia, gồm Brunei, Campuchia, Lào, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Phương hướng triển khai sáng kiến này tập trung vào tạo điều kiện thuận lợi xuất nhập cảnh; tăng cường kết nối các tuyến giao thông và hợp tác phát triển các dự án du lịch chung. Nhấn mạnh nội hàm sáng kiến, ông Dusit Manapan tin tưởng, triển khai sáng kiến này có thể đóng góp tích cực cho mục tiêu phát triển du lịch khu vực trong tương lai. Đối với hợp tác du lịch Việt Nam – Thái Lan, ông Dusit Manapan đánh giá, hai nước có nhiều tiềm năng phát triển hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch. Để phát huy lợi thế này, hai nước cần mở rộng kết nối giao thông đường bộ, đường thủy cũng như hàng không; tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân hai nước.
Thông tin thêm tại cuộc tiếp, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Thái Lan Naruchai Ninnad cho biết, Thái Lan đã miễn thị thực cho 93 quốc gia, qua đó, trong 04 tháng năm 2024, Thái Lan thu hút được 12,6 triệu du khách từ các nước được miễn visa. Mục tiêu chính trong sáng kiến “visa chung” cho sáu quốc gia nhằm giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục, và tăng lượng du khách từ các thị trường trọng điểm. Đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan đề xuất xây dựng thí điểm lịch trình du lịch chung, trong đó xác định rõ mùa cao điểm và các dịp lễ hội hấp dẫn để kích cầu du lịch khu vực. Ngoài ra, Thái Lan và Việt Nam, với nền ẩm thực phong phú và nổi bật, có thể hợp tác xây dựng sổ tay du lịch ẩm thực để thu hút du khách quốc tế. Cùng với đó, hai bên hợp tác phát triển du lịch tàu biển và mở rộng các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm nâng cao tầm vóc kinh tế khu vực trên bản đồ du lịch thế giới.
Về phần mình, Thứ trưởng Hồ An Phong nhận định, với nền tảng quan hệ tốt đẹp, hợp tác du lịch Việt Nam và Thái Lan đạt nhiều kết quả tích cực, thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, tham gia các hội chợ du lịch, hai nước nằm trong nhóm 10 thị trường gửi khách hàng đầu của nhau, trong đó năm 2023, khách Việt Nam đến Thái Lan đạt gần 1,03 triệu lượt, 11 tháng năm 2024, Việt Nam đón khoảng 400 nghìn lượt khách Thái Lan. Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác để cân bằng số lượng trao đổi khách du lịch.
Nhận định về sáng kiến “6 quốc gia, 1 điểm đến”, Thứ trưởng Hồ An Phong đánh giá cao ý tưởng kết nối du lịch khu vực và khẳng định đây là sáng kiến có tiềm năng lớn nhằm kích cầu kinh tế, vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính chất liên ngành, liên vùng chặt chẽ. Thứ trưởng Hồ An Phong thống nhất với ba nội dung trọng tâm Thái Lan đề xuất, đồng thời gợi ý thí điểm triển khai sáng kiến tại ba quốc gia Việt Nam, Thái Lan và Lào. Những khu vực như phố người Việt tại Thái Lan, Lào và các khu vực văn hóa của người Thái tại Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho sự giao thoa và kết nối lâu đời giữa các quốc gia. Để đạt được thành công, sáng kiến cần sự liên kết chặt chẽ giữa nhiều bộ, ngành của các quốc gia tham gia, từ đó, tạo thành yếu tố then chốt khai thác tối đa tiềm năng của sáng kiến không chỉ trong lĩnh vực du lịch, mà còn ở các khía cạnh văn hóa và kinh tế khác.
Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị hai bên khuyến khích doanh nghiệp du lịch liên kết phát triển sản phẩm, kết nối các điểm đến của hai nước; tiếp tục hỗ trợ nhau tham gia các sự kiện du lịch tổ chức tại hai nước và phối hợp xúc tiến quảng bá du lịch như hội chợ, hội thảo, sự kiện xúc tiến nhằm thúc đẩy lượng khách trao đổi và tăng cường đầu tư, hợp tác kinh doanh
Trước những đề xuất về chính sách visa, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh, chính sách về visa của Việt Nam hiện đang rất thông thoáng nhằm tạo điều kiện cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam. Các cơ quan liên quan Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu thị trường nhằm đề xuất miễn thị thực ngắn hạn trong thời gian một năm cho du khách từ các thị trường lớn, xem xét mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực đơn phương, đồng thời đàm phán mở rộng danh sách các nước miễn thị thực song phương, đa phương với Việt Nam trên cơ sở có đi, có lại.
Đối với sản phẩm du lịch, Thứ trưởng Hồ An Phong chia sẻ, Việt Nam – Thái Lan là những quốc gia có nền văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc, có thể hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách trong khu vực và thế giới. Trong phát triển hạ tầng giao thông phục vụ du lịch, Việt Nam – Thái Lan có nhiều tiềm năng trong kết nối hạ tầng giao thông đường thủy và hàng không. Đối với hàng không, hai nước cần đánh giá lại các đường bay cũ; nghiên cứu, mở rộng đường bay mới nhằm tạo thuận lợi trong đi lại giữa người dân hai nước.
Kết thúc buổi làm việc, hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm mở ra nhiều cơ hội hơn nữa không chỉ cho ngành du lịch, mà còn cho sự phát triển kinh tế bền vững của khu vực để sáng kiến “6 quốc gia, 1 điểm đến” trở thành bước tiến lớn trong hợp tác tại khu vực ASEAN, góp phần gia tăng vị thế quốc tế của các quốc gia tham gia./.