Ngày 3/7/2023, Hội nghị quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam đã khai mạc trọng thể tại Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình. Hội nghị được Tổng Giám đốc UNESCO bảo trợ, do Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức.
Tham dự Lễ Khai mạc Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc-Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương-Phó Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố Quảng Nam, Hà Giang, Hải Phòng, Đồng Nai, Quảng Bình, Đăk Nông, Nam Định, Ninh Bình… Về phía quốc tế có Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về ưu tiên Châu Phi và quan hệ đối ngoại Firmin Edouard Matoko, Trưởng Đại diện UNESCO tại Nepal kiêm nhiệm Việt Nam Michael Croft, đại sứ, đại diện ngoại giao đoàn, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo một số ủy ban quốc gia UNESCO nước ngoài như Anh, Thái Lan, Indonesia… Bà Nguyễn Phương Hòa-Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Thường trực Tiểu ban Văn hóa tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định quan hệ Việt Nam – UNESCO là hình mẫu về hợp tác hiệu quả, ở đó Việt Nam – UNESCO là những người bạn cùng chí hướng, chung tầm nhìn. Trong suốt 47 năm kể từ khi chính thức là thành viên của UNESCO từ năm 1976, Việt Nam luôn khẳng định vai trò là thành viên chủ động và có trách nhiệm của UNESCO, đóng góp tích cực cho thành công của các khuôn khổ và hoạt động của UNESCO, đặc biệt là trong kiến tạo, đối thoại, hợp tác vì hòa bình và phát triển.
Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia 4 Công ước của UNESCO về lĩnh vực di sản văn hóa; 5 lần đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO, thành viên Ủy ban Di sản Thế giới (nhiệm kỳ 2013 – 2017), thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (nhiệm kỳ 2006 – 2010 và 2022 – 2026), thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (nhiệm kỳ 2011-2015 và 2021 – 2025); là một trong các quốc gia đầu tiên tổ chức hoạt động kỷ niệm hướng tới Lễ Kỷ niệm toàn cầu 50 năm Công ước Di sản Thế giới của UNESCO, 20 năm Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Với nguồn tài nguyên văn hóa và thiên nhiên đồ sộ, phong phú, đặc sắc, đến nay Việt Nam đã được UNESCO ghi danh 08 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 15 Di sản văn hóa phi vật thể, 9 Di sản tư liệu, 3 công viên địa chất toàn cầu và 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, giúp khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia, đóng góp bảo vệ di sản, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa của địa phương, phát triển các thương hiệu văn hóa đối ngoại, gắn với phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, tạo thêm động lực trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội.
Đồng thời, công tác xây dựng hệ thống văn bản pháp luật tại Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, tiếp cận các Công ước và Hướng dẫn thực hiện Công ước của UNESCO, trong đó nổi bật có Luật Di sản văn hóa, Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017 quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam được Chính phủ Việt Nam ban hành là minh chứng điển hình về bảo vệ, quản lý các Di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận, trở thành bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia trên thế giới tham khảo, áp dụng.
Phát biểu tại Lễ Khai mạc Hội nghị, ông Firmin Edouard Matoko, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về ưu tiên Châu Phi và quan hệ đối ngoại chia sẻ ý kiến của bà Audrey Azoulay-Tổng Giám đốc UNESCO trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Việt Nam và tham dự Lễ Kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO 1972 tại Ninh Bình vào tháng 9/2022, trong đó đánh giá cao sự quan tâm, tầm quan trọng mà Việt Nam dành cho cơ chế hợp tác UNESCO, nhấn mạnh, đề cao những kết quả hợp tác nổi bật giữa Việt Nam và UNESCO trong thời gian vừa qua, trở thành hình mẫu trên thế giới, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc
Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO Firmin Edouard Matoko đề nghị Việt Nam tiếp tục quan tâm phát huy hơn nữa vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, thúc đẩy mạnh mẽ các kết quả hợp tác giữa Việt Nam với UNESCO trong thời gian sắp tới, khẳng định vai trò, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa của Việt Nam trong cơ chế UNESCO, trong quá trình ra quyết định của UNESCO, góp phần thực hiện các mục tiêu của Tổ chức UNESCO trong thúc đẩy hợp tác đa phương trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là đảm bảo hòa bình, phát triển bền vững.
Sau Lễ Khai mạc, Hội nghị quốc tế đã diễn ra 03 phiên chuyên đề, thảo luận nhiều nội dung quan trọng theo các chủ đề như: “Thực tiễn về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững Việt Nam”, “Kinh nghiệm quốc tế về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững” và “Giải pháp huy động nguồn lực trong phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững”.
Hội nghị tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo UNESCO về một số kiến nghị, đề xuất, khuyến nghị liên quan đến tăng cường hợp tác Việt Nam-UNESCO, cũng như công tác bảo tồn, phát huy các di sản thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam trong thời gian sắp tới, với các giải pháp cụ thể như:
– Tăng cường hoàn thiện cơ chế, chính sách; thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là phối hợp giữa khu vực Nhà nước và tư nhân, hợp tác giữa các địa phương có di sản, phát huy vai trò của khu vực tư nhân;
– Chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân trong các vùng di sản, bảo đảm vừa chuyển dịch cơ cấu lao động, vừa bảo tồn được các không gian di sản, nhất là vùng lõi di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới;
– Huy động, phân bổ, kết nối các nguồn lực cho phát triển bền vững các đô thị di sản, từ các cơ chế, chính sách giải phóng nguồn lực đất đai, tài chính, tự nhiên đến nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa, khắc phục các mâu thuẫn, xung đột giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển;
– Quản lý du lịch bền vững, có trách nhiệm; đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ, thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy công tác hợp tác quốc tế…
Hội nghị quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam được tổ chức từ 02 – 04/7/2023, bao gồm các phiên chuyên đề, cũng như một số hoạt động bên lề như tham quan thực tế tại Quần thể Danh thắng Tràng An, gặp gỡ, trao đổi các đại diện của cộng đồng địa phương…