Ngày 28/02/2025 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hồ An Phong đã có buổi làm việc với Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam, ông Thomas Gass, nhằm thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước. Tham dự buổi tiếp có ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế và ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tích cực của quan hệ song phương, đặc biệt sau chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ vào tháng 1 vừa qua, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh tiềm năng hợp tác lớn giữa hai nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Ông khẳng định Thụy Sĩ là một trong những thị trường quan trọng mà Việt Nam muốn tập trung phát triển.
Thứ trưởng đánh giá Việt Nam và Thụy Sĩ có nhiều điểm tương đồng về cảnh quan thiên nhiên, điều kiện phát triển du lịch nhưng cũng có những nét đặc trưng riêng, tạo sức hút cho du khách. Thụy Sĩ, với bề dày kinh nghiệm phát triển du lịch, là một đối tác tiềm năng để Việt Nam học hỏi. Thực tế, nhiều chuyên gia và nhà quản lý du lịch Việt Nam đã được đào tạo tại Thụy Sĩ.
Từ những lợi thế sẵn có, Thứ trưởng mong muốn Thụy Sĩ hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển du lịch bền vững, xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng và đào tạo nguồn nhân lực. Ông cũng đề xuất hai nước tăng cường quảng bá du lịch lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và người dân hai nước đi lại dễ dàng hơn.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, năm 2024, Việt Nam đón 17,6 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ hơn 110 triệu lượt khách nội địa, dẫn đầu khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng du lịch. Ông khẳng định Việt Nam sẵn sàng trở thành cầu nối giúp các quốc gia trên thế giới mở rộng hợp tác với ASEAN.
Đại sứ Thomas Gass đánh giá cao sự phát triển của quan hệ Việt Nam – Thụy Sĩ, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Ông cho biết Thụy Sĩ đã hợp tác với Việt Nam từ năm 2018 nhằm thúc đẩy du lịch bền vững. Đại sứ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối các đối tác nhà nước và tư nhân để xây dựng những điểm đến bền vững.
Về đào tạo nhân lực, Đại sứ khẳng định Thụy Sĩ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển đội ngũ quản lý du lịch chất lượng cao. Ông bày tỏ mong muốn trong tương lai, các khách sạn và nhà hàng cao cấp tại Việt Nam và Thụy Sĩ sẽ có sự tham gia quản lý của nhân sự Việt Nam.
Liên quan đến chính sách thị thực, Đại sứ Gass hoan nghênh các chính sách thông thoáng mới của Việt Nam, đặc biệt là Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 15/1/2025 về miễn thị thực cho công dân Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ theo Chương trình kích cầu du lịch. Ông kỳ vọng hai nước sẽ tiếp tục xây dựng các chính sách thị thực thuận lợi hơn để thúc đẩy du lịch song phương.
Đại sứ cũng chia sẻ về đặc điểm du khách Thụy Sĩ, nhấn mạnh họ không chỉ đến Việt Nam để tham quan mà còn quan tâm đến du lịch bền vững. Do có thói quen lên kế hoạch từ sớm và yêu thích hành trình khám phá dài ngày, du khách Thụy Sĩ mong muốn có những sản phẩm du lịch đặc trưng, phù hợp với nhu cầu của họ.
Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Hồ An Phong khẳng định Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước, hướng tới phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới.
Khởi động Dự án Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam Ngày 28/02/2025, Lễ khởi động Dự án Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững (ST4SD) tại Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Dự án nhận tài trợ của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Helvetas Swiss Intercooperation là đơn vị được lựa chọn để thực hiện dự án trong giai đoạn 2024 – 2027. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ nhiệm làm chủ dự án tại Việt Nam. Dự án do nhà tài trợ tự thực hiện, với tổng nguồn vốn ODA là 3,6 triệu CHF (khoảng hơn 101 tỷ VNĐ). Mục tiêu của dự án là hỗ trợ phát triển ngành du lịch Việt Nam bền vững và toàn diện hơn. Theo đó, dự án có 03 hợp phần chính: Hỗ trợ việc xây dựng và triển khai các chính sách ở cấp trung ương và cấp tỉnh trong việc phát triển du lịch bền vững; Nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo của Việt Nam thông qua cung cấp chương trình đào tạo chất lượng cao hướng đến phát triển kỹ năng và chuyên môn cho đội ngũ nhân sự trong lĩnh vực du lịch và khách sạn; Hỗ trợ các điểm đến cấp địa phương và doanh nghiệp du lịch trong việc đầu tư, vận hành du lịch bền vững. Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2024-2027; địa điểm triển khai dự án là các địa phương tại Việt Nam: tỉnh Hà Giang, Quảng Nam và Đồng Tháp. |
Phạm Hà Minh